Nhiều bé lọt lòng với lông tơ bao phủ khắp người. Có mẹ đã nghe lời người khác mách bảo, dùng thuốc lào và trầu không tẩy lông tơ cho bé. Hậu quả là bé phải đi cấp cứu vì ngộ độc qua da nicotine có trong thuốc lào.
Ngoài ra, mẹ cũng cần tránh dùng các cách khác để tẩy lông tơ cho bé như:
– Lấy bột mỳ nhão bôi lên da của bé.
– Lấy nước lá vông hay nước lá nhọ nồi thoa lên da bé với mục đích, lông tơ sẽ nhanh rụng.
– Dùng lá cây đỗ (đậu) ván nấu nước tắm cho bé.
– Dùng nước hoa hồng để thoa lên da bé.
– Cho bé dùng sữa tươi với mục đích, để nhanh rụng lông tơ.
– Có mẹ còn dùng bún tươi ngâm 4-5 ngày trong nước rồi dùng nước này tắm cho bé vì nghe nói là trị được lông tơ.
– Dùng khăn hoặc bã trầu chà xát lên làn da của bé, để lông tơ phải rụng.
Các biện pháp dùng lá cây, thực phẩm bôi lên da của bé sơ sinh dễ làm bé sơ sinh bị nhiễm khuẩn da, rất nguy hiểm. Bé còn nhỏ cũng không dùng được sữa tươi vì làm bé bị rối loạn tiêu hóa.
Nguyên nhân mọc lông tơ ở bé
Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, bé đã phát triển lông tơ (nhất là 3 tháng cuối). Hầu hết các bé chào đời đều có lông tơ phủ trên người. Có bé thì có lông tơ mịn, mỏng. Có bé lớp lông tơ dày hơn nhưng đều không đáng lo ngại.
Thời điểm lông tơ tự rụng
Khoảng 5 tuần sau đó, lông tơ của bé sẽ tự rụng mà mẹ không cần dùng biện pháp tẩy, cạo lông tơ cho con.
Với một số bé, phải đợi đến khi bé được 1 tuổi thì lông tơ mới rụng.
Một số hiếm các bé vẫn có lông tơ cho đến tận 3 tuổi.
Quan niệm sai lầm về lông tơ
Nhiều mẹ tin là bé có lông tơ nhiều sẽ hay vặn mình, khó ngủ, còi cọc, hay quấy. Các bác sĩ khẳng định, thông tin trên là không có cơ sở khoa học. Bé hay vặn mình, quấy khi ngủ có thể do thiếu canxi, mẹ cần đưa bé đi khám để bác sĩ bổ sung vitamin D và canxi cho bé.
Trường hợp cần đưa bé đi khám
Nếu lông tơ ở bé càng ngày càng mọc nhiều; bé có một túm lông ở xương sống thì mẹ cần đưa bé đi khám vì có thể bé bị trục trặc ở hệ thần kinh.
Theo Tổng Hợp