Bệnh lao (viết tắt là TB) là một bệnh truyền nhiễm do Vi khuẩn lao gây ra, thường gây ra lao phổi nhiều nhất. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua những hạt nước nhỏ bắn ra từ họng và phổi của người có bệnh lao phổi thể hoạt động.
Bệnh lao đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì người mẹ mắc bệnh lao rất dễ dàng lây sang con, ngay cả khi đang trong thời kỳ bào thai (lao bẩm sinh). Sau đây là những kiến thức quan trọng mà các mẹ bầu bị mắc bệnh lao cần nắm để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Nhiễm lao ở thai kỳ
Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh lao hơn các nhóm đối tượng khác. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi các nội tiết tố oestrogen, progesteron và sự xuất hiện nội tiết tố rau thai, khiến cho cho các cơ quan phục vụ cho quá trình mang thai, sinh đẻ và nuôi con như hệ sinh dục, vùng chậu hông, da, cơ tăng cường chuyển hóa các chất, ngấm nhiều nước hơn. Điều này cũng kéo theo cả tổ chức phổi, những tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn, làm cho vi khuẩn lao dễ dàng hoạt động hơn.
Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ nhiễm lao đó là do hệ miễn dịch giảm, chế độ ăn uống không đủ chất, mất sức và mệt mỏi…
Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, và đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ vì khả năng lây bệnh cho con rất lớn.
Các biến chứng khi mẹ mắc bệnh lao
Sảy thai và thai chết lưu: Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong do lao ở trẻ sơ sinh lên tới 18.7% khi bà mẹ được chẩn đoán và điều trị lao trong thai kỳ. Tỷ lệ này tăng lân gấp đối nếu sinh non, sinh nhẹ cân từ bà mẹ có bệnh lao.
Đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh lao bẩm sinh, bé có thể bị sốt, suy hô hấp và gan to. Trẻ sơ sinh có thể vật vã, li bì hoặc hôn mê. Tuy nhiên trường hợp này khá hiếm gặp và thường xuất hiện những biểu hiện trên sau 2-3 tuần.
Phụ nữ được chẩn đoán lao ở cuối thai kỳ tỷ lệ tử vong tăng lên tới 4 lần và tỷ lệ nhiễm độc thai nghén cũng tăng lên. Tuy nhiên, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu đi khám và điều trị đúng từ 4-9 tháng.
Chính vì những rủi ro to lớn có thể mang lại cho mẹ và bé nếu người mẹ bị phát hiện nhiễm lao thai kỳ, các bác sĩ chuyên khoa thường khuyên bệnh nhân mắc bệnh lao nên trì hoãn việc mang thai và sinh con trong quá trình điều trị lao.
Điều trị bệnh lao ở thai phụ
Khi đã mắc bệnh lao trong thai kỳ, thai phụ cần thực hiện ngay theo hướng dẫn sau đây để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng ảnh hưởng đến con:
Điều trị lao bao giờ cũng có một phác đồ điều trị riêng và nghiêm ngặt. Vì vậy, thai phụ cần dùng thuốc điều trị bệnh lao theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc được chọn lựa đầu tiên INH, rifampicin và andethambutol, thuốc được sử dụng hằng ngày trong vòng 2 tháng hoặc có thể sử dụng INH và rifampicin 2 lần trong một tuần trong cả thời kỳ mang thai. Không nên sử dụng streptomycin và PZA, vì những thuốc này có những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Thai phụ cần thực hiện chế độ nghỉ ngơi thích hợp để giảm sự hô hấp, có lợi cho phục hồi vùng bụng. Đặc biệt cần tăng cường cung cấp dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và tăng cường sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất. Thai phụ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống viên canxi và dầu cá, chúng sẽ tốt hơn cho sự phục hồi vùng nhiễm bệnh của phổi.
Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được tiêm BCG sớm để phòng bệnh lao sơ nhiễm.
Kết quả chữa bệnh lao ở phụ nữ có thai cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác. Điều quan trọng là cần đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời và thực hiện nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Thai phụ chú ý không bỏ dở điều trị vì như vậy, không những không tốt hơn cho thai nhi, mà vi trùng lao kháng thuốc sẽ có nguy hại hơn cho cả mẹ và con.
Theo Vuikhoemoingay