Hai quả thận người có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Người ta có thể mất 50% số đơn vị thận mà vẫn sống bình thường. Vì vậy mới có chuyện cho người khác một quả thận. Tuy nhiên, nếu mất trên số lượng đơn vị thận này, tình trạng suy thận sẽ bắt đầu.
Thận của một người có thể chết đi, tạm ngưng hoạt động hoặc không thể hoạt động được vì một bệnh lý nào đó. Nếu chỉ tạm ngưng hoạt động trong thời gian ngắn và được điều trị đúng, kịp thời, thận sẽ hoạt động trở lại.
Có thể nhận biết triệu chứng của suy thận cấp qua số lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Nếu bệnh nhân không có nước tiểu, hoặc nước tiểu đi được có lượng dưới 100ml trong vòng 24g là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể.
Trong khi đó, triệu chứng của bệnh suy thận mãn lại kín đáo hơn. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thiếu máu (thận còn có chức năng tiết ra kích thích tố để sinh hồng cầu). Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.
Để chẩn đoán suy thận mãn, phải cần đến những xét nghiệm cơ bản là đánh giá nồng độ urê máu và créatinine máu. Để phát hiện sớm một bệnh nhân có bị suy thận mãn hay không, trong quá trình theo dõi các bệnh lý nội khoa (cao huyết áp, tiểu đường…) bác sĩ phải thường xuyên cho bệnh nhân kiểm tra định kỳ hai chỉ số urê và créatinine.
Để phòng ngừa suy thận mãn, khi bị nhiễm trùng đường tiểu phải đi khám và điều trị đúng cách; tránh bị sạn thận bằng cách uống nước nhiều. Khi bị sạn thận (cũng có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu) phải điều trị ngay để không gây bế tắc. Uống đủ nước để duy trì lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Không nên ăn quá nhiều đạm động vật, vì ăn nhiều đạm sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn (chức năng chính của thận là biến dưỡng chất đạm). Tránh ăn mật cá, mật rắn, tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc… Khi bệnh nhân có bệnh cao huyết áp, tiểu đường… cần tuân thủ điều trị thuốc và thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.
Với những người chỉ còn một thận (cho người khác một thận, có bệnh lý bị teo một thận, bị sạn thận làm hư mất một thận, bị chấn thương mất một thận…), không có dự trữ thứ hai, tuyệt đối tránh các biến chứng do những bệnh khác gây ra.
Vậy còn nước tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu đêm, đau lưng liên quan đến bệnh thận hay không? Nước tiểu đục có ba nguyên nhân. Tiểu ra máu có đến hơn… 100 nguyên nhân. Đau lưng có nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều lý do làm ta phải thức dậy tiểu đêm.
Vì vậy, để biết chính xác việc tiểu đục, tiểu ra máu, đau lưng, tiểu đêm… liên quan đến bệnh lý thận hay không, bệnh nhân đến bệnh viện để khám bệnh. Hiện nay ở TP.HCM, các bệnh viện đã làm được nhiều loại xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng… để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về thận.
Triệu Chứng:
Thường thì người bệnh nhân không có triệu chứng gì cả cho đến khi chức năng của thận chỉ còn khoảng 10-15%. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không biết là mình bị yếu thận. Những triệu chứng người bệnh nhân có thể cảm thấy gồm có ói mửa, biếng ăn, mệt mỏi, phù thủng tay chân, cao áp huyết, và ngứa ngáy toàn cơ thể. Một số bệnh nhân sẽ có huyết niệu (tiểu ra máu) hoặc protein niệu (nước tiểu có chất đạm) khi khám nước tiểu. Ngoài ra, người bệnh nhân cũng có thể thấy lượng nước tiểu giảm đi và họ sẽ đi tiểu ít đi. Có một triệu chứng mà ít có ai bị suy thận thật sự gặp phải, đó là đau eo lưng. Chỉ có hai trường hợp liên quan tới thận mà có thể làm bệnh nhân bị đau eo lưng gần chỗ thận, đó là viêm thận do vi khuẩn và sạn thận.Ngoài hai trường hợp đó, thì không có bệnh nào đã nêu ra mà làm cho bệnh nhân bị đau eo lưng. Ðiều này cần phải được nhấn mạnh là vì có nhiều bệnh nhân, khi cảm thấy đau eo lưng, đều nghĩ là mình bị yếu thận, khi thật sự ra là chỉ bị đau lưng mà thôi.
Chẩn Ðoán Bệnh:
Như đã nói trên, thường thì bệnh nhân không có triệu chứng gì cả khi bị suy thận cho đến khi đã muộn. Vì vậy, cách duy nhất để chẩn đoán bệnh suy thận là qua thử nghiệm máu và nước tiểu. Vì chức năng làm việc của thận bị giảm đi khi bị suy thận, nên những chất dơ như urê sẽ tăng cao trong máu. Khi thử nghiệm máu, thì mức độ của những chất này sẽ cao hơn bình thường. Sau khi đã khám phá ra là người bệnh nhân bị suy thận, thì bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh nhân chụp siêu âm thận hoặc chụp quang tuyến tùy theo nguyên do suy thận. Cuối cùng là bác sĩ có thể làm “chọc thận” (kidney biopsy) tức sinh thiết để thử nghiệm tế bào thận hầu truy tìm nguyên nhân chính xác.
Chữa Trị:
Vì có rất nhiều nguyên nhân gây suy kiệt chức năng thận, nên cách điều trị phải dựa vào từng trường hợp thích hợp. Nhưng nói chung thì người bệnh nhân thường được cho thuốc cao áp huyết, thuốc lợi tiểu nếu bị phù thủng, và thuốc hạ mỡ nếu bị mỡ cao. Ngoài ra, người bệnh nhân thường phải kiêng muối và kiêng những thức ăn có nhiều chất phospho hoặc potassium. Khi người bệnh nhân đã bị suy thận đến giai đoạn cuối (chức năng thận chỉ còn 10-15%) thì phải cần lọc thận (danh từ y khoa gọi là thấu tích). Có hai cách lọc thận: lọc thận qua màng bụng (peritoneal dialysis) và lọc thận qua máu (hemodialysis). Ðể biết thêm chi tiết về lọc thận, xin xem một bài viết khác cũng trong số báo này.
Theo Tổng hợp