Các triệu chứng rối loạn đường tiểu ở phụ nữ có thể liên quan đến rất nhiều bệnh lý (không đơn thuần chỉ do nhiễm trùng đường tiểu). Nếu không xác định đúng nguyên nhân để điều trị triệt để, bệnh kéo dài sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Rối loạn đường tiểu ở phụ nữ liên quan đến nhiều bệnh lý, cần được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: internet
Triệu chứng của nhiều bệnh lý
Theo ThS-BS Hồ Thanh Bình, Phó khoa Nội tổng quát Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu gồm: tiểu buốt, tiểu đau, tiểu nhiều lần, nước tiểu nhiều (đa tiểu), tiểu không kiểm soát và tiểu đêm.
Trước tiên, phải kể đến rối loạn đường tiểu do bị nhiễm trùng. Hay gặp nhất là triệu chứng tiểu nhiều lần kèm theo đau buốt, mót rặn sau tiểu và không nín được tiểu. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên giai đoạn sau mãn kinh, do ở giai đoạn này, nội tiết tố sụt giảm, đề kháng đường tiểu vì thế kém đi.
Tiếp đến là nhóm bệnh rối loạn đường tiểu không do nhiễm trùng. Bình thường, bàng quang của phụ nữ chứa được từ 300 – 350ml mới đi tiểu một lần. Tuy nhiên, nhiều nữ bệnh nhân khổ sở vì vừa ra khỏi nhà vệ sinh lại mắc tiểu. “Tôi từng khám cho một nữ bệnh nhân. Chị này bị suy kiệt, không thể làm gì, vì suốt ngày ra vào nhà vệ sinh. Đứng lên, ngồi xuống nhiều khiến chị không thể đứng vững”, ThS-BS Bình kể.
Bệnh thường do rối loạn chức năng bàng quang, khiến bàng quang tăng hoạt. Trung bình, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 10 nữ bệnh nhân tiểu nhiều do bàng quang tăng hoạt. Họ bị rối loạn chức năng bàng quang, đi tiểu nhiều gấp đôi, gấp ba người bình thường, khiến tinh thần, thể trạng suy kiệt. Đi tiểu nhiều lần còn hay gặp ở những phụ nữ có bệnh về thần kinh như thiếu máu não, đau nửa đầu.
Một nghiên cứu cho thấy, khi bệnh nhân lên cơn đau đầu, cơ thể sẽ có phản ứng giữ nước. Sau cơn đau đầu, nước được thải ra, khiến chị em đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Ở các phụ nữ sau mãn kinh đi tiểu nhiều không kiểm soát, són tiểu thường là do cơ sàng chậu bị dãn, sa sinh dục, sa bàng quang và các phần phụ, gây rối loạn tiểu. Bệnh nhân còn có thể mắc thêm chứng bàng quang ứ nước tiểu, có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu dẫn tới suy thận. Có bệnh nhân phải đặt ống xông tiểu vì bàng quang bị mất trương lực.
Đi tiểu nhiều còn do nước tiểu nhiều (đa niệu), gặp ở những người uống nước quá nhiều, hoặc người bị bệnh đái tháo đường. Có bệnh nhân chỉ đa niệu ban ngày, nhưng cũng có trường hợp đa niệu về đêm. Một người đi tiểu ban đêm nhiều hơn một lần thì được gọi là bị bệnh tiểu đêm. Đa niệu về đêm lại hay gặp ở người bị suy tim, thận, suy tĩnh mạch.
Thêm một bệnh lý liên quan đến rối loạn đường tiểu là thoái hóa thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Những bệnh nhân này hay đi tiểu lắt nhắt.
Phối hợp khám thần kinh
ThS-BS Bình khuyên, khi bị bất cứ triệu chứng rối loạn đường tiểu nào, người bệnh cần đi khám chuyên khoa niệu để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh làm nhật ký đi tiểu, đo đa niệu đồ, siêu âm và phối hợp khám thần kinh nếu thấy cần thiết.
Với những trường hợp rối loạn chức năng thần kinh bàng quang, sẽ được bác sĩ cho uống thuốc giảm co thắt bàng quang. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần dùng phối hợp thêm thuốc thiếu máu não.
Với phụ nữ bị đi tiểu nhiều, tiểu không kiểm soát, són tiểu do dãn cơ sàng chậu, sa phần phụ, cách điều trị là phẫu thuật. Để ngăn ngừa bệnh, chị em có thể tập bài tập Kegel (tập thể dục vùng chậu bằng cách tự co thắt cơ hậu môn).
Nếu bị nhiễm trùng tiểu, cần dùng kháng sinh theo đúng phác đồ của bác sĩ, việc điều trị không tới nơi tới chốn, tùy tiện rất dễ gây ra kháng thuốc.
Bệnh nhân đi tiểu nhiều đâm ra lo lắng, càng lo thì lại càng đi nhiều hơn do thần kinh bị kích thích. Bởi vậy, có thể bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thêm thuốc chống lo âu.
Theo Kienthucsuckhoe