Đôi bàn tay có thể làm được biết bao nhiêu việc nhờ sự khéo léo và linh hoạt của nó. Nhưng càng lớn tuổi, thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay càng dễ phát triển gây đau đớn và khó cử động.
Tay đau = lực bất tòng tâm
Khoảng gần một năm nay, bà Phương (Q.3, Tp.HCM) đều cảm thấy bàn tay phải tê buốt, đau, không co vào được, tình trạng này thường diễn ra mỗi sáng thức dậy hoặc sau khi ngủ trưa. Bà phải ngồi lại trên giường một lúc, vận động các khớp ngón tay, xoa xoa, bóp bóp chừng 5 phút thì cảm giác tê buốt mới tạm lắng xuống. Mấy người bạn của bà Phương cũng hay than phiền về hiện tượng này.
Theo lời họ, chắc bà Phương bắt đầu bị thoái hóa khớp bàn tay. Có lần bà nghe thấy trên kênh O2TV nói về bệnh này, đây là bệnh mãn tính, không trị dứt hẳn được, có uống thuốc cũng chỉ hạn chế cơn đau. Biết là có đi khám chữa cũng chỉ tốn tiền nên bà Phương cứ kệ, không nói với chồng và các con, vì cơn đau cũng chưa ảnh hưởng đến cuộc sống của bà lắm. Hằng ngày, bà cố gắng vận động các khớp ngón tay nhiều hơn một cách nhẹ nhàng, mong là nó giảm dần cơn đau.
Mới đầu, bà Kim (Thường Tín, Hà Nội) cũng bị những cơn đau, cứng khớp thoáng qua như bà Phương. Tuy chẳng biết là bệnh gì nhưng bà Kim thấy nó cũng không nghiêm trọng lắm nên bỏ qua các triệu chứng. Hằng ngày, bà vẫn chăm chỉ thêu tranh kiếm sống. Làng nghề Dũng Tiến, quê bà Kim vốn có truyền thống thêu tranh, bà cũng gắn bó cả đời với nghề này, bà chỉ nghĩ đơn thuần, phải cầm kim hằng ngày trong bao nhiêu năm như thế, tay có đau cũng là chuyện bình thường, nếu không cố thêu kiếm tiền thì ăn bằng gì, nên có đau cũng phải cố.
Nhưng gần đây, các khớp bên tay phải của bà Kim bỗng nhiên biến dạng, nó to lên một cách bất thường so với bên tay trái, nhất là ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Có chỗ còn nổi cục, sờ vào thấy cứng như xương nhưng mọc chẳng có hàng lối, khiến bà không thể cầm kim khâu vá thêu thùa như trước. Thậm chí buổi sáng ngủ dậy bà còn chẳng thể chải tóc cho không cầm chắc được chiếc lược, ăn cơm cầm đũa cũng khó. Các con bà Kim sợ quá không cho mẹ thêu tranh nữa, đưa đến bệnh viện khám thì được biết bà bị thoái hóa khớp ngón tay, cần hạn chế, thậm chí dừng hẳn việc cầm kim thêu để tình trạng bệnh không tiến triển nặng thêm nữa. Đống thời, dùng phương pháp vật lý trị liệu để chữa cho tay nhanh đỡ.
Phụ nữ cẩn trọng với thoái hóa khớp bàn tay
Theo BS CKI. Hoàng Văn Dũng (Khoa Nội thận khớp, Bệnh viện 198): Thoái hóa khớp bàn tay và ngón tay không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến tính mạng, nhưng gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Đây là một trong các bệnh khớp phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi, gây đau, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống sinh hoạt. Đặc trưng của bệnh là cảm giác đau cơ học ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị cứng khớp kéo dài từ 15-30 phút vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi. Lúc cử động, bàn tay có tiếng lạo xạo và người bệnh khó thực hiện các động tác. Dần dần, cơ bàn tay bị teo nhỏ, ngón tay có thể bị biến dạng, sau cùng, những người mắc bệnh thoái hóa khớp bàn tay thậm chí không thể làm vệ sinh cá nhân và tự chăm sóc bản thân mình. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là, quá trình lão hóa khi cơ thể già đi làm hư hại lớp sụn khớp, lượng máu nuôi dưỡng vùng khớp cũng bị giảm sút, sự lão hóa sụn càng rõ, làm cho sụn kém chịu đựng so với các yếu tố tác động có hại lên khớp.
Độ tuổi bị thoái hóa khớp bàn tay thường là từ 60-65 tuổi. Tuy nhiên, với những người thường xuyên phải làm việc trực tiếp bằng tay thì có thể bị thoái hóa khớp bàn tay sớm hơn, từ độ tuổi 55 đã có thể xuất hiện các biểu hiện của thoái hóa khớp bàn tay.
Thoái hóa khớp bàn tay còn có thể xuất hiện sau một số bệnh lý bàn tay như sau chấn thương, gãy xương khớp, hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp, gout mạn tính, đái tháo đường…
Để bàn tay khỏe mạnh
Bác sĩ Dũng đưa ra một số lời khuyên sau để phòng tránh thoái hóa khớp bàn tay, cổ tay:
– Chúng ta không nên lao động, mang vác nặng khi đã có tuổi.
– Nên để đôi tay nghỉ ngơi, không sử dụng bàn tay, cổ tay và các ngón tay trong thời gian quá dài hoặc liên tục.
– Nên tạo thói quen ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý ấm, mỗi ngày khoảng 2 lần (sáng và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần khoảng 10 phút để các khớp xương được thư giãn, nghỉ ngơi.
– Cần để ý khi xuất hiện các dấu hiệu như đau khớp bàn tay, biến dạng khớp hay cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động bàn tay.
– Nên đến khám chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời, nếu không can thiệp sớm, tình trạng thoái hóa khớp sẽ tiến triển tăng nặng, sau cùng có thể khiến chúng ta không thể tự chăm sóc bản thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo Suckhoegiadinh