Ít nhất 75% cả nam và nữ có nguy cơ nhiễm vi-rút HPV 1 lần trong đời.
Vi-rút Human Papilloma (HPV) là tác nhân ’cần thiết’ gây ra bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC) và một số bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật do vi-rút HPV gây ra cho sức khỏe cộng đồng thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nhìn thấy.
Trao đổi về những ưu điểm nổi bật của phương pháp tiêm vắc-xin ngừa vi-rút HPV, ThS.BS. Lê Quang Thanh cho biết: ‘Trước hết, phương pháp dự phòng cấp 1 (tiêm ngừa vắc-xin) là biện pháp dự phòng chủ động áp dụng cho những đối tượng khỏe mạnh, chưa có tổn thương tiền UTCTC. So với việc sàng lọc để chờ tổn thương xuất hiện và điều trị sớm, thì dự phòng bằng vắc-xin để ngăn lây nhiễm vi-rút từ sớm có hiệu quả cao và tích cực hơn.
Thứ hai, số lần can thiệp về phụ khoa đối với người đã tiêm ngừa sẽ thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm ngừa, cụ thể như số lần soi cổ tử cung hoặc số lần sinh thiết cũng giảm đáng kể. Điều này có thể giúp người tiêm tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại, và đem lại sự ổn định về tâm lý’.
Vi-rút HPV qua kính hiển vi – Ảnh minh họa
Ít nhất 75% cả nam và nữ có nguy cơ nhiễm vi-rút HPV 1 lần trong đời
Hàng năm, trung bình có khoảng 500.000 ca ung thư cổ tử cung được phát hiện trên toàn thế giới, trong đó khoảng gần 90% các trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển và hơn 50% được phát hiện ở các nước châu Á. Cụ thể hơn, hằng năm căn bệnh này đã lấy đi mạng sống của gần 300.000 người phụ nữ trên toàn cầu, với hơn 88% trường hợp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cứ mỗi 2 phút là có 1 người tử vong vì bệnh ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ vi-rút HPV. Thống kê cho thấy, ít nhất 75% cả nam và nữ đều có nguy cơ lây nhiễm vi-rút HPV một lần trong đời.
Tỉ lệ mắc bệnh và tử vong vì ung thư cổ tử cung ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với các nước giàu có hơn. ThS.BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết: ‘Ở những nước có nền kinh tế và y học phát triển, người dân có điều kiện tốt hơn để tiếp cận các chương trình dự phòng ung thư cổ tử cung. Còn ở các nước đang phát triển, điển hình như Việt Nam, do gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội mà các phương pháp dự phòng ung thư cổ tử cung cho người dân chưa thể phủ hết cho toàn bộ cộng đồng. Cộng thêm tâm lý e ngại của phụ nữ phương Đông khi phổ biến và tiếp cận các thông tin chính thống về phụ khoa, tỉ lệ phát hiện nhiễm vi-rút HPV hay mắc bệnh ung thư cổ tử cung vì thế cũng cao hơn hẳn’.
Dự phòng tốt nhất bằng vắc-xin ngừa HPV từ sớm
Ảnh minh họa
Nhờ vào tiến bộ gần đây của y học, tỉ lệ người dân mắc bệnh từ vi-rút HPV trên toàn cầu có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào những phương pháp dự phòng ung thư hiệu quả. Bên cạnh phương pháp tầm soát ung thư như: Pap smear (phết tế bào tử cung) hay HPV DNA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo thực hiện phương pháp dự phòng cấp 1, tiêm vắc-xin ngừa vi-rút HPV từ sớm cho phụ nữ và các trẻ em gái để ngừa các chủng HPV có hại, nguyên nhân gây các bệnh UTCTC, UT âm hộ, âm đạo hay sùi mào gà sinh dục.
Hiện nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã cho lưu hành và sử dụng vắc-xin ngừa vi-rút HPV cho người dân.
Tại Hoa Kỳ và một số nước phát triển, vắc-xin ngừa vi-rút HPV được chấp thuận cho sử dụng ở cả phụ nữ và nam giới. Ngoài việc bảo vệ nam giới phòng tránh bệnh mào gà sinh dục, UT dương vật, UT hậu môn, các bệnh UT khác do vi-rút HPV gây ra, việc tiêm vắc-xin ngừa vi-rút HPV cho nam giới còn có hiệu quả bảo vệ cho cả bạn tình của họ không bị lây nhiễm vi-rút HPV.
Ở Việt Nam, từ năm 2008, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vắc-xin ngừa 4 chủng vi-rút HPV (6, 11, 16, 18), nguyên nhân gây ra UTCTC, UT âm hộ, âm đạo và mào gà sinh dục, với đối tượng tiêm chủng là nữ giới trong lứa tuổi từ 9 – 26.
WHO khuyến cáo phụ nữ tiêm chủng càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi chưa có quan hệ tình dục. Với độ tuổi cho phép tiêm ngừa tại Việt Nam (từ 9 – 26 tuổi), mỗi bạn gái không những nên tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút HPV cho bản thân, mà còn có thể vận động bạn bè, người thân trong gia đình tiêm ngừa từ sớm để tránh khỏi các nguy cơ của tuổi trưởng thành.
Theo Songkhoe