Tuổi già thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những lứa tuổi khác. Điều chỉnh chế độ ăn uống và bổ sung lượng dinh dưỡng phù hợp, ngoài việc thường xuyên tập thể dục vận động cơ thể sẽ là lựa chọn hàng đầu của NCT…
Các nhà khoa học khẳng định, thực phẩm không chỉ nuôi sống con người mà còn có giá trị nhất định trong phòng, chữa bệnh. Các loại khoáng chất, rau củ quả là mang giá trị dinh dưỡng với hàm lượng cao giúp quá trình chuyển hóa năng lượng của NCT trở nên dễ dàng hơn.
Nước lọc
Bổ sung khoáng chất rất tốt cho sức khỏe NCT, tuy nhiên người già thường uống khá ít nước bởi họ không thấy khát. Các nhà khoa học khuyên người lớn tuổi uống nước đầy đủ mỗi ngày để hỗ trợ thận hoạt động tốt hơn, hạn chế nguy cơ sỏi thận và các triệu chứng táo bón. Đối với người lớn tuổi, mỗi ngày nên uống từ 1,2 đến 1,6 lít nước lọc và nếu có thể hãy bổ sung các loại nước ép trái cây tự nhiên, nước chè xanh để tăng cường hàm lượng vi-ta-min cho cơ thể.
Các loại rau xanh
Khuyến cáo chung của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho người già là nên ăn khoảng 20-35g chất xơ/ngày, tức tiêu thụ tối thiểu 300g rau/ngày và ăn ít nhất 100g quả chín/ngày. Rau xanh thường chứa hàm lượng chất xơ, vi-ta-min rất tốt cho sức khỏe NCT.
Khổ qua (mướp đắng): Có tính mát, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp và mẩn ngứa ngoài da.
Rau má, rau ngót: Rất tốt cho những người thân nhiệt nóng, hay bị viêm da dị ứng, lượng đường trong máu cao…
Rau dền đỏ: Chứa hàm lượng vitamin A rất cao, giúp điều trị các bệnh về thị lực.
Bí đao: Vị ngọt, tín mát, giúp tiêu mỡ, điều trị bệnh mỡ trong máu.
Cà rốt: Chứa hàm lượng vi-ta-min A, C rất cao giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Bí đỏ: Không chỉ có hàm lượng vi-ta-min cao mà còn là thần dược chữa chứng đau nửa đầu rất công hiệu.
Súp lơ, bắp cải: có tác dụng chống ung thư bàng quang-loại ung thư phổ biến ở nam giới.
Một nghiên cứu kéo dài 10 năm trên 50.000 nam giới cho thấy, ở những người dùng súp lơ hay bắp cải hơn 5 lần/tuần, tỉ lệ ung thư bàng quang thấp hơn 50% so với người ít khi dùng loại thực phẩm này.
Cà chua: Theo nghiên cứu của Đại học Havard (Mỹ) cho thấy, những người dùng nhiều cà chua (từ 2 đến 4 lần mỗi tuần) sẽ giảm được 35% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Theo các nhà khoa học, tác dụng kể trên của cà chua là do chất Lycopen (thành phần tạo nên màu đỏ) mang lại. Chất này sẽ được hấp thu tốt nếu được chế biến, hoặc nấu với một loại chất béo.
Các loại rau xanh thường là nguồn cung cấp vi-ta-min K.
Lạc
Lạc có khả năng giúp phòng bệnh tim mạch bằng cách giảm cô-lét-xtơ-rôn xấu (Low-density lipoproteins gọi tắt là LDL) và lượng mỡ trong máu, nhưng không làm giảm cô-lét-xtơ-rôn tốt (High-density lipoproteins gọi tắt là HDL).
Đậu phụ
Đậu phụ có hàm lượng prô-tê-in cao, có khả năng làm giảm cô-lét-xtơ-rôn, giảm tình trạng bốc hỏa trong thời kì mãn kinh. Nó cũng giúp phòng chống bệnh loãng xương ở phụ nữ, vì chất isoflavone trong đậu nành có cấu trúc tương tự như oestrogen.
Theo một số nghiên cứu, việc tăng cường chất isoflavone cho cơ thể với lượng 90 mg/ngày sẽ giúp xương (đặc biệt là xương hông) vững chắc hơn. Liều 50-70mg/ngày có thể làm giảm các cơn bốc hỏa.
Mỗi cốc sữa đậu nành chứa khoảng 20-35mg isoflavone. Như vậy, chỉ cần dùng 2 cốc/ngày là đủ.
Theo Suckhoedoisong