Phù, sưng vú hay có bớt đỏ, tiểu ra nước màu đỏ là những dấu hiệu sức khỏe ở bé sơ sinh mà mẹ cần biết.
1. Phù ở bé sơ sinh
Ở bé sơ sinh có thể gặp 2 chứng phù là phù nước và phù cứng.
Phù nước: 3-5 ngày sau sinh, ở chân tay, đầu và bụng, quanh mắt của bé nhìn như bị phù lên. Đây là hiện tượng phù nước sinh lý ở bé sơ sinh. Khoảng 2-3 ngày sau, hiện tượng này sẽ giảm và biến mất.
Phù cứng ở bé sơ sinh: Đây là chứng bệnh mà da và lớp mỡ dưới da bé sơ sinh bị đông cứng lại. Biểu hiện này có thể đi kèm chứng phù nước ở các bé sinh non, bé sơ sinh sức khỏe yếu.
Nguyên nhân: Có thể do dưới da bé có nhiều lớp mỡ dạng rắn, chỉ tan ở nhiệt độ cao nên gặp lạnh sẽ bị đông cứng lại.
Biểu hiện: Ban đầu, bé có biểu hiện da ở ống chân lạnh cứng lại, sau đó lan tới mông, sườn, bụng, ngực và lên má. Mẹ ấn nhẹ vào làn da bé thì không thấy da lõm xuống. Bé có biểu hiện lạnh, hạ thân nhiệt.
Bé yếu ớt, khóc yếu, bú kém, có thể kèm viêm phổi…
Phòng tránh phù cứng cho bé: Do chứng bệnh này phổ biến khi trời lạnh nên để phòng tránh, mẹ cần giữ ấm cho bé sơ sinh. Với bé sinh non, bé cần được ủ ấm tại bệnh viện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi tắm rửa hay thay quần áo cho bé phải đảm bảo bé đủ ấm. Mẹ có thể dùng đèn sưởi để sưới ấm cho bé.
Nếu thấy bé bị lạnh, mẹ không được ủ ấm cho bé quá đột ngột. Lúc này, mẹ cần bình tĩnh giữ ấm cho bé bằng cách giúp bé mặc quần áo, quấn chăn ủ ấm để thân nhiệt tăng lên từ từ. Nếu đã dùng các biện pháp sưởi ấm mà thân nhiệt của bé không tăng, mẹ cần đưa bé đi khám.
2. Sưng vú ở bé sơ sinh
Bé sơ sinh trai hay gái có thể có bộ ngực phát triển, nhìn như bị sưng hoặc như có khối u to, mềm; thậm chí một số bé còn bị sưng dưới núm vú. Đây phần lớn là dấu hiệu sinh lý bình thường ở bé sơ sinh.
Nguyên nhân: Sưng vú ở bé hầu hết là lành tính. Nguyên nhân do bé tiếp xúc với kích thích tố của mẹ từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Các kích thích tố này cũng làm ngực mẹ bầu to lên, kích thích các tuyến sữa.
Sưng vú ở bé có thể tiếp tục phát triển: Sưng vú ở bé có thể làm mẹ lo lắng khi sinh hoặc ngực bé vẫn tiếp tục phát triển một thời gian. Thường vài tuần, thậm chí vài tháng khi bé không tiếp xúc với các hormone từ cơ thể mẹ nữa, các mô vú ở bé bắt đầu co lại, vú không còn sưng nữa. Đôi khi, một số mô ở vú của bé vẫn có những cục nhỏ nhưng không phát triển hoặc không gây khó chịu cho bé.
Điều cha mẹ nên tránh: Mẹ nên tránh nắn bóp hay massage khu vực vú của bé quá nhiều với hy vọng vú của bé sẽ hết sưng nhanh. Cách này chỉ làm vú của bé bị kích thích và làm bé đau.
Trường hợp cần đưa bé đi khám: Trong trường hợp hiếm hoi, khi vú của bé trông như bị nhiễm trùng (sưng, đỏ, đau, tiết dịch), kèm dấu hiệu bé bị sốt, mẹ hãy đưa bé đi khám ngay.
3. Các vết đỏ ở bé sơ sinh
Trên da của bé sơ sinh có thể có các vết đỏ. Vết đỏ này có thể là vết bớt hoặc cảnh báo tình trạng u máu ở bé.
U máu ở bé: Khi các vết đỏ dưới da to lên thì có thể bé bị u máu. Đây là tình trạng phát triển bất thường của các mạch máu trong da của bé. U máu lành tính có thể không đe dọa đến tính mạng của bé nhưng nó sẽ gây mất thẩm mỹ.
Nếu u máu mọc ở khoang họng, thanh quản thì có thể gây cản trở hô hấp cho bé.
Điều trị: U máu có thể trị bằng chiếu tia laser, kết hợp với trị liệu bằng thuốc bôi.
Bớt ở bé: Bớt cũng có biểu hiện như u máu là một hoặc một vài vết đỏ trên da bé. Kích thước các bớt có thể khác nhau nhưng đa số là lành tính. Một số bớt có thể tiến triển thành u máu.
Bớt màu dâu tây: Gồm một nhóm mạch máu nhỏ, cuộn lại với nhau, hay nổi ở mặt, đầu, lưng hoặc ngực. Bớt này ngoài màu đỏ như dâu tây còn có màu tím, bằng phẳng hoặc chỉ lồi nhẹ lên bề mặt da.
Bớt màu dâu tây thường nổi vài tuần sau sinh, phát triển nhanh trong năm đầu đời. Sau đó khi bé lớn lên, vết bớt có thể mờ dần mà không cần điều trị.
Bớt dạng bọt biển: Bớt này cũng do rối loạn các mạch máu, khi các mạch máu to hơn bình thường, tập trung nhiều tại một điểm, quấn vào nhau, tạo thành bớt. Bớt dạng bọt biển thường nổi ở đầu, cổ của bé. Khi lớn, bớt có thể mờ dần và biến mất.
Điều trị: Bé có vết bớt có thể trị bằng tia laser mà không cần làm phẫu thuật.
4. Nước tiểu đỏ ở bé sơ sinh
Bé sơ sinh 2-5 ngày tuổi có thể thỉnh thoảng tè ra nước tiểu có màu đỏ thẫm đọng trên miếng lót. Nhiều cha mẹ hoảng hốt tưởng là bé tiểu ra máu nhưng có thể không phải vậy.
Nguyên nhân: Nước tiểu màu đỏ ở bé sơ sinh có thể do lượng bạch cầu phân chia mạnh làm các axit muối trong nước tiểu tăng lên. Đây là những tinh thể urate, chứ không phải là máu. Quan sát kỹ, mẹ có thể thấy chỗ tiểu màu đỏ đó có dạng cặn, bột.
Nước tiểu bình thường vẫn có muối urate. Trường hợp nước tiểu đặc (khi bé bị mất nước) thì nước tiểu sẽ sẫm và đậm hơn bình thường, do tạo ra những tinh thể urate. Bởi vậy, bé sơ sinh bị mất nước (do bú ít, bú chưa đủ no…) thì dễ tiểu ra nước có màu đỏ.
Không gây hại cho bé: Hiện tượng này không gây hại cho bé nhưng mẹ cần chú ý cho bé bú đúng cách, bú đủ và bú no. Sau đó, màu sắc nước tiểu của bé sẽ trở lại bình thường.
Nếu bé vẫn có dấu hiệu mất nước như thóp trũng, mắt khô, mệt mỏi, khô môi… thì mẹ cần đưa bé đi khám.
Theo Tổng Hợp