Khi bé sơ sinh có vấn đề về sức khoẻ thì những dấu hiệu ấy có thể bộc lộ ra bên ngoài.
Chướng bụng
Hầu hết bé sơ sinh đều căng bụng khi bú no nhưng bụng thường mềm. Nếu bụng có dấu hiệu của chướng, đầy hơi và bé không đi tiêu trong 1-2 ngày hoặc kèm theo nôn thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Hầu hết các bé sơ sinh gặp khó khăn trong việc đi tiêu vì đầy hơi, táo bón. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bé sơ sinh có vấn đề với đường ruột cũng bị chướng bụng.
Da vàng bất thường
Bé sơ sinh có hiện tượng vàng da bởi vì các tế bào hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để thay thế bằng các hồng cầu trưởng thành. Nếu quá trình này diễn ra bình thường, lượng bilirubin trong máu của bé sơ sinh sẽ được loại bỏ thông qua phân và nước tiểu. Sau 7-10 ngày, bé sơ sinh giảm vàng da.
Tuy nhiên, nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng sậm, vàng da lan đến bàn tay và bàn chân thì là những dấu hiệu của vàng da nặng. Nếu bé không được phát hiện và chữa trị kịp thời, lượng bilirubin sẽ tăng cao và được hấp thụ vào trong não. Kết quả sẽ làm cho em bé ở trong tình trạng hôn mê, co quắp, thậm chí tử vong ….
Phân có màu sắc lạ
Phân đơn giản chỉ là chất thải của cơ thể. Tuy nhiên, ở các bé sơ sinh, quan sát màu sắc của phân sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe của bé sơ sinh. Bé sơ sinh thường đi tiêu nhiều lần trong một ngày, với tốc độ trung bình 3-5 lần / ngày. Với bé bú bình, phân thường đặc với màu vàng khác nhau và mùi chua.
Khi thấy phân của bé có màu trắng và không màu, mẹ nên chú ý đặc biệt vì có thể bé đang có vấn đề ở gan hoặc ống dẫn mật. Trong trường hợp bé đi tiêu phân màu xanh lá cây, nguyên nhân có thể do rối loạn hệ thống tiêu hóa. Nếu em bé đi tiêu nhiều lần, phân chứa chất nhầy nhụa, bé nôn mửa và quấy khóc, có thể là do bé bị bệnh lồng ruột. Mẹ nên chú ý đến các trường hợp bé sơ sinh đi tiêu có máu trong phân.
Thở rên và sắc mặt tái
Mẹ có thể đếm nhịp thở của bé trong một phút. Nếu nhiều hơn 60 lần / phút, tiếp tục đếm lần thứ hai. Nếu kết quả vẫn thế, bé sơ sinh đang có hiện tượng thở nhanh.
Hoặc mẹ có thể quan sát bé khi bé nằm yên và thở, chú ý xem bé đang thở dốc hoặc thở hổn hển hay không. Xem phần bên dưới vú và xương sườn của bé có lõm sâu hay không. Nếu có hiện tượng này thì bé thở lõm ngực nặng. Bạn có thể nghe những âm thanh từ hơi thở của bé và chú ý xem âm thanh đó là nhẹ, êm hoặc thở rít. Môi và phần xung quanh môi của bé có màu tím hoặc hồng hào hay không.
Thở nhanh, thở lõm ngực, thở rít và sắc mặt tái là dấu hiệu cho thấy bé có khó khăn trong việc thở, mẹ cần đưa bé đi đến bệnh viện khám ngay.
Ho
Ho hay gặp ở bé sơ sinh trong thời gian đầu khi bé chưa quen với bú mẹ. Tình trạng này sẽ được cải thiện hoặc chấm dứt khi bé đã điều chỉnh để quen với việc bú mẹ mỗi ngày. Đôi khi bé bị ho cũng là vì sữa mẹ chảy quá nhiều và nhanh, bé bú không kịp.
Nếu bé ho trong một thời gian dài, ho kèm các dấu hiệu bệnh khác thì mẹ nên đưa bé đi khám sớm.
Theo Mevabe