Biểu hiện của bệnh xuất huyết dưới kết mạc là lòng trắng có màu đỏ tươi, mắt hơi cộm, không thấy khó chịu, nhìn vẫn rõ. Nguyên nhân dẫn tới xuất huyết dưới kết mạc là bị nôn nhiều, ho dữ dội, hắt hơi quá mạnh, thiếu vi-ta-min C, dùng nhiều chất kích thích như rượu bia, bị chấn thương mắt do va đập vào mắt, dụi mắt…
Ngoài ra, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị xuất huyết dưới kết mạc. Khi bị xuất huyết dưới kết mạc, có thể dùng nước mắt nhân tạo làm giảm cảm giác bị cộm mắt. Nếu xuất huyết dưới kết mạc thường xảy ra mà không có bất cứ chấn thương nào cho mắt thì không cần bất cứ điều trị đặc biệt nào vì máu đỏ ở lòng trắng sẽ tự mất đi trong vòng 10 – 14 ngày. Bên cạnh đó, nếu tìm được nguyên nhân sẽ có những cách điều trị khác nhau, do vậy cần phải khám khi thấy các dấu hiệu không bình thường ở mắt. Bệnh nhân cũng cần hạn chế rượu bia, bổ sung vi-ta-min C, tránh các hành động gây tổn thương mắt như thói quen dụi mắt, nên đeo kính khi đi ra ngoài đường. Tra thuốc nhỏ mắt làm dịu mắt và không bị mỏi, cộm mắt, tuy nhiên phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Nang gan có nguy hiểm?
Nang gan xuất phát từ các tế bào gan, mạch máu nuôi gan, đường mật… nên thường thấy nang mạch, nang đường mật… tại gan, một số có thể do kí sinh trùng. Đối với các trường hợp mắc nang gan nói chung thì tùy theo tính chất, kích thước và nguyên nhân gây bệnh sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau từ điều trị nội khoa (dùng thuốc) đến các thủ thuật khác như tiêm xơ, nội soi hay phẫu thuật. Tuy nhiên, nang gan thường lành tính, kích thước nhỏ, nếu nang chưa ảnh hưởng đến chức năng của gan cũng như chưa có biến chứng thì thường không cần điều trị nhưng cần định kì kiểm tra siêu âm nang khoảng 6 tháng/ lần để theo dõi sự phát triển của nang. Nếu nang lớn nhanh, nhất là nang máu cần can thiệp để phòng trường hợp vỡ nang gây chảy máu cấp. Hoặc nếu nang đường mật gây tắc mật và ảnh hưởng đến chức năng gan. Trường hợp nang gan không to nhưng ở vị trí gần vỏ gan gây đau cần được điều trị tại chuyên khoa tiêu hóa của bệnh viện.
Nhận biết bệnh thiếu máu
Thiếu máu là bệnh lí do số lượng hồng cầu hoặc số lượng hemoglobin ít hơn chỉ số bình thường trong máu. Có nhiều bệnh gây ra thiếu máu như: Bệnh giun móc, do ăn uống kém, sốt rét, do di truyền, stress…
Nhận biết người bị thiếu máu dựa vào các dấu hiệu sau: Kéo căng mí mắt và nhìn vào thấy phần trong mí mắt bị nhợt nhạt. Da xanh tái: Nhìn da thấy xanh tái. Bệnh nhân có vẻ mệt mỏi do cơ thể thiếu năng lượng. Bệnh nhân thường bị buồn nôn vào buổi sáng; hay kêu nhức đầu, do não bị thiếu ô-xy. Do bịthiếu ô-xy và năng lượng, nên tim phải đập nhanh để bù đắp. Rụng tóc do da đầu thiếu dinh dưỡng gây rụng tóc… Nên đến bệnh viện khám, xét nghiệm máu và tìm nguyên nhân gây thiếu máu để được điều trị sớm.
Theo Suckhoedoisong