Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…
1. Dấu hiệu biến đổi nào sau đây của cơ thể báo cho bạn biết rằng có thể bạn đã mang thai…
a. Ngực căng nhẹ, hơi đau và ngứa.
b. Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
c. Mệt mỏi, buồn nôn.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.
>> Đáp án đúng là: Câu d.
Nếu đang mong có bé, bạn cần quan sát kỹ từng thay đổi nhỏ nhất của cơ thể. Bên cạnh dấu hiệu cơ bản để xác định có thai là chậm thấy tháng, bạn có thể phát hiện ra mình mang thai từ rất sớm nhờ một số thay đổi như ngực đau và ngứa, căng nhẹ, hơi mệt mỏi, buồn nôn, đi tiểu nhiều hơn bình thường…
Lưu ý rằng dấu hiệu ngực hơi căng, đau và ngứa rất giống với triệu chứng trước mỗi kỳ kinh nguyệt nên nhiều người đã không nhận ra. Dấu hiệu này xuất hiện từ rất sớm, có thể chỉ sau khi thụ thai được một tuần. Nguyên nhân là do kích thích tố tăng một cách đột ngột và cơ thể chưa quen nên “phản ứng” lại ngay. Sau đó, một khi thích nghi được với những biến đổi này, hiện tượng đau ngực sẽ giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, hiện tượng đi tiểu nhiều cũng xuất hiện vào khoảng 6 tuần sau khi thụ thai do biến đổi hormone thai kỳ và lưu lượng máu trong cơ thể tăng nhiều hơn trước. Riêng hiện tượng buồn nôn, ốm nghén thì có thể xuất hiện vào khoảng 4 tuần sau khi thụ thai, xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
2. Gia đình bên chồng hoặc trong gia đình bạn có người mắc bệnh nào sau đây thì cần đến sự tư vấn của bác sĩ trước lúc mang thai…
a. Thừa ngón (bàn tay có 6 ngón) / Dính ngón.
b. Teo cơ.
c. Chậm phát triển tâm thần và trí tuệ / Não úng thủy / Down / Trầm cảm.
d. Ung thư.
e. Tất cả các bệnh trên.
>> Đáp án đúng là: Câu e.
Khi trong gia đình nội ngoại hai bên có người mắc phải những chứng bệnh trên, đôi vợ chồng dự tính có con nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xin tư vấn thật kỹ về vấn đề di truyền. Đây đều là những bệnh có khả năng di truyền. Ngoài ra, còn có một số bệnh khác được cho là hậu quả nhẹ hơn nhưng cũng có khả năng di truyền cho bé như rối loạn thị lực, cao huyết áp, béo phì… Bác sĩ chuyên về di truyền sẽ cho bạn thực hiện một số xét nghiệm, có một sự tư vấn cụ thể và chuẩn bị kỹ lưỡng giúp việc mang thai của bạn an toàn hơn.
3. Nếu nhà bạn có nuôi mèo và bạn đang có ý định mang thai, tốt nhất bạn nên…
a. “Chuyển giao” con mèo sang một gia đình nào đó khác ngay khi biết mình có thai.
b. Cứ nuôi thôi. Con mèo thì đâu hại gì đến bé yêu của bạn!
>> Đáp án đúng là: Câu a.
Rất tiếc, nhưng cho dù bạn yêu mèo đến mức nào thì cũng phải chịu khó cách ly với con vật này trong giai đoạn mang thai. Nếu cảm thấy không xa nổi chú mèo cưng của mình thì ít nhất bạn phải áp dụng biện pháp “cách ly” như để người khác dọn phân mèo, vệ sinh mèo, cho mèo ăn, cho con mèo ở khu vực tránh xa phòng ngủ của bạn và chỉ… ngắm nghía từ xa.
Bạn có thể cau mày phản đối, cho rằng sao bác sĩ lại… bất công với con vật cưng của bạn như thế, song kỳ thực là chứng nhiễm trùng từ mèo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho bào thai như sảy thai, động kinh, tổn thương não và mắt. Điều đáng ngại là thai phụ khi bị nhiễm trùng từ mèo lại chẳng có dấu hiệu gì rõ ràng để biết trong khi bệnh lại vẫn lây nhiễm cho bào thai trong bụng. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên chấp nhận sự cách ly tạm thời với chú mèo cưng hoặc nếu lúc nào nhớ quá, vuốt ve mấy cái thì phải chịu khó rửa tay ngay nhé.
4. Theo bạn, việc chọc hút ối nên thực hiện khi…
a. Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm.
b. Triple test có kết quả dương tính.
c. Tăng khoảng sáng sau gáy.
d. Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử sinh nở bất thường.
e. Tất cả các câu trên đều đúng.
>> Đáp án đúng là: Câu e.
Chọc hút ối là một trong những xét nghiệm được dùng để xác định dị tật bẩm sinh của thai nhi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là chọc hút ối CHỈ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp thật cần thiết vì có khả năng gây sẩy thai, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Những trường hợp được chỉ định chọc hút ối sẽ là: Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm; Triple test có kết quả dương tính; Tăng khoảng sáng sau gáy; Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử sinh nở bất thường.
Xét nghiệm chọc ối cho thai phụ thường được thực hiện khi thai nhi được 16-20 tuần. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu chọc hút ối ở những thời điểm khác. Sau khi thực hiện chọc hút ối, thai phụ phải nghỉ ngơi theo yêu cầu của bác sĩ. Sau vài ngày không thấy có hiện tượng bất thường gì mới được sinh hoạt bình thường trở lại. Kết quả xét nghiệm ối thường có sau 1-2 tuần.
5. Mang thai đến tuần thứ 38, bạn thấy hiện tượng rỉ nước ở vùng kín. Dấu hiệu này là…
a. Bình thường, báo hiệu thời gian chuyển dạ sắp tới.
b. Bất thường, cần được chăm sóc ngay vì có nguy cơ nhiễm khuẩn cho thai nhi.
>> Đáp án đúng là: Câu a.
Cần biết rằng nước ối đóng vai trò rất quan trọng vì dùng để cung cấp dinh dưỡng, giúp bảo vệ bào thai đang phát triển. Vì vậy, bất kỳ sự rò rỉ nước ối nào (ra nước ở vùng kín) cũng cần phải được mẹ hiểu đúng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Nếu việc rò rỉ ối xuất hiện trước tuần 38, cần báo với bác sĩ ngay để có biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn thai nhi, nguy cơ sinh non cho mẹ. Tuy nhiên, nếu sau tuần thứ 38 mới có hiện tượng rò rỉ này thì bạn có thể yên tâm, vì đó chỉ là dấu hiệu bình thường cảnh báo thời gian chuyển dạ sắp tới. Bạn có thể báo việc này với bác sĩ và trong tư thế sẵn sàng để bắt đầu một chuyến vượt cạn sắp đến rồi đó.
Theo Bau