Đi ngược lại đồng hồ sinh học có thể khiến bao công sức, thời gian luyện tập của bạn tự nhiên trôi ra sông, ra biển.
Có sống ở thành phố mới thấy tinh thần luyện tập thể dục, thể thao của người thành phố. Từ tờ mờ sáng đã thấy người người thể dục, nhà nhà thể thao, chạy bộ, tập tạ, aerobic, dưỡng sinh… xung quanh hồ, trong công viên, trên hè phố.
Lại có những anh, tối tối, cơm no rượu say mới vác vợt đi tập, rèn luyện đến tận 11h đêm… Có người càng tập càng khỏe ra nhưng cũng có người tập càng nhiều, người càng yếu. Tất cả đôi khi chỉ vì cái… “đồng hồ” sinh học.
1. Thể dục sáng: Không nên quá sớm
Vào buổi sáng, trao đổi chất của cơ thể diễn ra mạnh mẽ hơn so với buổi tối (thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi). Bằng việc khởi động mỗi sáng, chức năng chuyển dưỡng trong cơ thể sẽ được kích hoạt và duy trì ở mức cao trong nhiều giờ. Các nghiên cứu cho thấy suy nghĩ sẽ nhạy bén hơn trong thời gian từ 4-10 tiếng sau luyện tập.
Tuy nhiên, tập thể dục quá sớm (4-5h) không hẳn đã tốt cho sức khỏe của bạn. Bởi lúc này, lớp sương mù sẽ làm tăng độ tập trung của các chất gây ô nhiễm, bạn sẽ hít chúng vào nhiều hơn. Với người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng càng nên cẩn trọng.
Mặt khác, lúc này chưa có ánh sáng mặt trời nên cây xanh vẫn đang trao đổi chất (“hít” ôxy và thải carbonic), gây ảnh hưởng đến việc trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy bạn nên tập thể dục sáng vào khoảng 5-6h.
2. Thể dục tối: Dễ gây tác dụng ngược
Thể dục nhẹ nhàng vào buổi tối có thể giúp bạn thư thái và thoải mái hơn, ngủ ngon hơn. Nhưng nhiều người cũng gặp sai lầm trong việc tập thể dục buổi tối.
Bài tập nặng dễ mất ngủ: Một trận bóng, vài séc tenis, một bài aerobic nặng có thể làm bạn không thể ngủ trong vòng 3 tiếng sau đó.
Vì thế buổi tối bạn chỉ nên thực hiện những động tác thể dục đơn giản, đi bộ nhẹ nhàng 15-30 phút và không nên tập quá khuya (trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút). Tốt nhất là từ khoảng 8-9h nhưng phải đảm bảo sau bữa ăn ít nhất 1 tiếng.
Với các bài tập nặng, có tính chất tăng cường chỉ nên thực hiện vào buổi chiều, 3 lần/tuần, vào khoảng 5-7h tối. Thời gian luyện tập tốt nhất nên bắt đầu sau bữa ăn trưa khoảng 4 giờ và kết thúc trước bữa ăn tối 1 giờ.
Luyện tập nặng sau một ngày mệt mỏi càng khiến cho cơ thể “quá tải” hơn. Sau một ngày làm việc vất vả, từ 20-21h là thời điểm cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi sinh lý, cần được nghỉ ngơi.
Nếu thường xuyên bắt cơ thể vận động vượt ngưỡng sẽ dẫn tới mệt mỏi triền miên, thậm chí gây ra các bệnh lý: rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận, rối loạn giấc ngủ…
Tập ngay sau khi ăn: Đau dạ dày
Khi vừa ăn xong, cơ thể ưu tiên cho việc tiêu hóa thức ăn nên máu tập trung ở dạ dày nhiều. Vận động ngay sau bữa ăn khiến cho máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên và các cơ làm chậm quá trình tiêu hóa.
Chưa kể, do tác dụng cơ học, vận động sẽ cản trở quá trình tiêu hóa của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày, đường tiêu hóa.
Ngược lại, quá trình tiêu hóa cũng ngăn cản sự vận động của cơ thể nên việc luyện tập lúc này không mang lại hiệu quả như ý.
3. Thể dục chiều: Giảm nguy cơ chấn thương
Về khung giờ vàng cho việc luyện tập hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng quan điểm của số đông vẫn là hai khung giờ: 9-10h sáng và 4-6h chiều. Vào hai thời điểm này nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt nên tập luyện dễ đạt thành tích cao, thực hiện động tác chuẩn xác hơn.
Theo TS. Phyllis Zee, chuyên khoa thần kinh học, thuộc Đại học Tây Bắc (Mỹ), thời gian lý tưởng nhất cho việc luyện tập là buổi chiều muộn, khoảng từ 4-6h. Ông giải thích, buổi chiều nhiệt độ cơ thể thường cao hơn buổi sáng 1-2 độ C, giúp các cơ đàn hồi, dẻo dai hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
Đây cũng là thời điểm sức mạnh cơ bắp đạt đỉnh cao nhất. Sức mạnh cơ thể cao hơn 5% vào khoảng giữa ngày. Các hoạt động thể thao mạnh sẽ tăng hiệu quả 5% và khả năng luyện tập độ bền tăng xấp xỉ 4% vào buổi chiều.
Người già thể dục sáng: Cẩn thận tai biến
Theo nhịp sinh học của con người, buổi sáng là lúc nhiệt độ cơ thể lên cao, huyết áp tăng, các hormone tuyến thượng thận tăng tiết gấp nhiều lần. Với người già khả năng thích ứng đã kém nhạy bén, thức dậy sớm, vận động mạnh ngay rất dễ xảy ra tai biến về tim mạch, đặc biệt là tai biến mạch máu não.
Vì vậy, với người già không nên thể dục quá sớm và cũng không nên dậy đột ngột. Khi tỉnh dậy nên thong thả, duỗi chân tay, xoa bóp thái dương một lát, ngồi định thần vài phút rồi mới được đứng lên, ra ngoài đi tập thể dục. Người già chỉ nên dậy lúc 6h, đi lại nhẹ nhàng, khoảng 8-9h mới nên đi ra ngoài để tập thể dục. Về mùa đông, nên đổi sang tập thể dục vào buổi chiều tối.
Theo Suckhoegiadinh