Trên đời này không đau gì khủng khiếp bằng đau đẻ – chính cảnh báo này khiến nhiều chị em sắp phải vượt cạn sợ đến mức không thở được.
Chuyện kinh dị về đau đẻ
Thực ra, chẳng phải đợi đến lúc lấy chồng hay có bầu, chị em mới được “quảng cáo” về những cơn đau kinh hoàng khi vượt cạn. Những bí ẩn của sinh nở luôn là đề tài thu hút sự quan tâm tìm hiểu của giới nữ ngay từ thời còn là một cô bé.
Lần đầu được biết đứa bé chui ra khỏi bụng mẹ không phải qua đường rốn, hõm nách hay khe ngực mà từ… “chỗ ấy” là cú sốc lớn đối với một cô gái nhỏ, gây ra nỗi sợ hãi và kính phục. Và kể từ lúc ấy, bất cứ lúc nào hóng hớt được chút thông tin nào về chuyện sinh đẻ, bé gái ấy sẽ cố rình nghe được càng lâu càng tốt, vừa tò mò vừa thích thú và sợ hãi.
Đau! Đó là thông tin bao trùm nhất của chuyện sinh nở, nhưng phải đến khi đã mang bầu, điều đó mới trở thành thiết thân. Một phụ nữ lần đầu có thai luôn có rất nhiều bậc đàn chị nhiệt tình truyền kinh nghiệm và chia sẻ các trải nghiệm về thai sản, trong đó dĩ nhiên phải có vấn đề đau đẻ. Nhiều khi, nó được kể theo phong cách của những chuyện ngắn kinh dị.
“Đau chứ em, đau chết đi sống lại, đến mất cả trí khôn, cả ý thức tự trọng, không còn biết ngượng về sự trần truồng của mình trước mặt đàn ông, bò cả 4 chân ra sàn nhà như chó”, một bà mẹ hai con trong công ty của Xuân, cô gái 23 tuổi mang bầu 4 tháng, nói. “Đến lúc đẻ, người ta cầm dao rạch toang cửa mình cho đứa bé chui ra, sau đó hì hụi khâu hàng giờ mới kín được. Nói chung đẻ được một đứa con thì ‘hàng họ’ của mẹ cũng tan nát”.
Khi mấy chị khác thản nhiên xác nhận, chuyện như vừa kể chả có gì đặc biệt, ai chả phải chịu thế, mặt Xuân đã tái đi.
Chị khác kể tiếp: “Hồi sinh thằng Bin, tớ bị đau mất mấy ngày không đẻ được, nằm dầm dề trong bệnh viện nên chứng kiến nhiều chuyện khiếp lắm. Sợ nhất là cái chị nằm cạnh giường tớ, trông rất khỏe mạnh và vui tính, đi đẻ mà cứ kể chuyện hài rồi cười phớ lớ, chồng gọi điện vào hỏi thăm thì cứ pha trò oang oang”.
“Ấy thế mà khi chị ấy lên bàn đẻ được ít phút, tự nhiên thấy y tá kêu thất thanh, các y bác sĩ chạy huỳnh huỵch, rồi thấy họ hối hả đẩy băng ca ra, chị ấy nằm thượt bất động, còn áo của mấy bác sĩ thì đẫm máu. Chị ấy được đưa vào phòng mổ cấp cứu, một lát sau thì nghe nói chị ấy chết rồi. Tớ run đến mức đứng không nổi nữa. Không biết có phải vì sốc quá không mà sau đó tớ đau dữ dội rồi đẻ được luôn”.
Tất cả “thính giả” đều xanh mắt, kể cả những chị từng trải qua cảnh “người chửa cửa mả”. Một người chợt nhớ ra: “Cái Xuân nó đang bầu bí, lẽ ra không được nghe những chuyện rùng rợn như thế này đâu”. Mọi người quay sang Xuân, thấy cô tái nhợt, ôm ngực thở gấp, rồi lả đi, đổ vào người chị bên cạnh. Thật may là cuối cùng, cô cũng không gặp chuyện không may nào.
“Mổ á? Đừng tưởng mổ mà sướng nhé”
Những chuyện hãi hùng về đau đẻ khiến nhiều bà bầu sợ đến mức gặp “bậc tiền bối” nào cũng thăm dò xem cái sự lâm bồn thực tế nó có khủng khiếp đến như vậy không, để rồi lại tim đập chân run thêm một lần nữa.
Hồng Vân, 29 tuổi, cho biết cô từng bị ám ảnh bởi những câu chuyện đó đến mức thường xuyên gặp ác mộng: “Mẹ đẻ và mẹ chồng của mình biết được. Hai bà mắng cho mình một trận, bảo đừng có ngu, cứ hóng hớt vớ vẩn rồi nghĩ linh tinh, bọn tao đẻ ba bốn đứa con lần nào cũng xoạch cái là xong, có làm sao đâu. Rồi các bà động viên, khích lệ suốt cho đến khi mình ‘lên thớt’, nhờ thế mà đỡ sợ, mẹ tròn con vuông ngon lành”.
Để khỏi đối mặt với cơn đau đẻ, nhiều thai phụ chọn cách mổ lấy thai. “Em vẫn biết là sau mổ mình vẫn phải chịu đau, nhưng cái đau của vết thương thì em còn tưởng tượng được, vả lại khi cảm thấy đau thì mọi chuyện cũng xong rồi, còn lúc bác sĩ lấy con ra, mình bị tiêm thuốc tê nên không biết gì hết. Chứ nếu đẻ thường, cái cảm giác khi cửa mình giãn bung ra, rách nát, em thực không thể hình dung nó khủng khiếp đến mức nào, liệu mình có chịu nổi không, nghĩ đến đã muốn ngất rồi”, Lê Thúy, một bà bầu sắp đến ngày sinh, cho biết.
Cũng sợ hết hồn bởi những câu chuyện mang tính khủng bố về đau đẻ, Hồng Nhung đang rất hoang mang. “Em vốn sợ đau lắm, ngay cả chuyện tiêm vaccine phòng bệnh đối với em đã là thử thách rồi, còn những lần đi khám, hễ bác sĩ yêu cầu lấy máu xét nghiệm là em muốn khuỵu đầu gối xuống. Vì thế em nghĩ sẽ không chịu nổi chuyện đẻ đường dưới đâu, phải mổ thôi. Thế mà khi em nói vậy, một chị bảo, cô đừng tưởng đẻ mổ mà sướng nhé, tôi kể chuyện tôi đẻ mổ cho cô nghe, để còn biết mà liệu”.
Và đây là câu chuyện của chị đồng nghiệp: “Tôi đẻ mổ là do bác sĩ chỉ định, chứ không phải nhõng nhẽo sợ đau như các cô. Lúc đấy bác sĩ đã cho thuốc tê xong hết rồi, dĩ nhiên tôi vẫn tỉnh táo bình thường. Bác sĩ bảo mổ nhá, rồi rạch một nhát. Đau khủng khiếp, và hồn xiêu phách lạc, cha mẹ ơi con đang bị mổ sống đây, chắc chết chứ chịu thế nào được”.
“Tôi thét lên thất thanh, ấy vậy mà ông bác sĩ không biết có phải theo quán tính không, vẫn kịp rạch thêm nhát nữa mới dừng. Người đứng bên cạnh tôi bảo không đáp ứng thuốc rồi, và cầm cái mặt nạ thuốc mê úp luôn vào mặt tôi, lúc đó vẫn đang há mồm ré lên. Thế là tôi chả còn biết gì nữa, tỉnh dậy thì đã xong”.
Không biết có phải do cơ địa không mà sau đó, dù không bị nhiễm trùng, chị đồng nghiệp của Nhung vẫn phải chịu đựng những cơn đau đến hoảng loạn ở vết mổ suốt vài tháng trời, đến mức chị không thiết gì tới đứa con mới sinh. Ngày có 24 tiếng đồng hồ thì cả 24 tiếng, mọi ý nghĩ và cảm nhận của chị chỉ quẩn quanh với cơn đau của mình và câu hỏi “bao giờ mới thoát được chuyện này?”. Cả trong mơ, chị cũng thấy mình đang đau đớn.
Câu chuyện của chị khiến Nhung rụt ý định đòi mổ: “Thà đau đẻ còn hơn đau vì bị người ta cầm dao mổ bụng. Chắc em phải nghiên cứu các biện pháp giảm đau thôi”.
Tuy nhiên, những câu chuyện khủng khiếp về vượt cạn lại chỉ có thể “dọa” được những phụ nữ lần đầu mang bầu. Với những người từng trải qua điều đó, dù đã phải chịu đựng cơn đau khó tưởng tượng nhất, thì nó không còn khiến họ run rẩy.
Chị Hồng Lê, 31 tuổi, nói: “Các cụ nói cấm có sai, đúng là không đau gì bằng đau đẻ. Ấy thế mà bây giờ khi nghĩ đến việc sinh con thứ hai, tôi không thấy sợ chuyện đó nữa. Có lẽ vì khi chưa trải qua, những nỗi đau đớn ấy mình chỉ nghe người khác kể lại, không hình dung nổi mức độ thực tế ra sao. Cái gì chưa biết thì thường gây sợ hãi quá mức, còn khi đã trải qua rồi, mình biết và tự nhủ, à, đau đẻ là thế này đây, thì không thấy sợ nữa”.
Còn chị Mai Linh, 28 tuổi, chia sẻ: “Mình cũng đau lên bờ xuống ruộng 2 ngày thì con gái mới ra đời, đau và kiệt sức đến mức cứ túm lấy tay bác sĩ van lạy xin mổ. Chắc các bà đẻ đau quá xin mổ là sự thường nên bác sĩ mặc kệ, bắt tự đẻ. Sau đó khi mẹ tròn con vuông, nhớ lại, mình thấy đau đẻ tuy đúng là khiếp thật nhưng dù sao mình cũng đã vượt qua, nghĩa là một cơn đau có thể chịu đựng được, như phụ nữ bao đời nay vẫn vậy. Cho dù lần sinh sau vẫn phải chịu đau như thế, mình cũng không thấy sợ hãi nữa”.
Mặc dù nói vậy, chị Linh vẫn rất giận dữ nếu có anh đàn ông nào bình phẩm về chuyện đau đẻ theo kiểu: “Các bà cứ làm ra vẻ quan trọng, phóng đại lên, làm như mỗi mình biết đẻ, các cụ ngày xưa đẻ chục đứa chả kêu đau”.
Bởi theo chị, cơn đau đẻ khủng khiếp là có thật, và việc bất cứ người mẹ nào cũng phải chịu chỉ có nghĩa rằng, phải kính trọng người phụ nữ vì điều đó, chứ không phải xem nó là chuyện tầm thường. Dù đau đớn, nhưng người mẹ vẫn dũng cảm chấp nhận như một cái giá cho niềm hạnh phúc thiêng liêng: một sinh linh chào đời.
Theo Bau