Tiêu chảy là một bệnh mà ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải. Khi bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ, không bị mất nước nhiều, có thể áp dụng một số bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm cổ truyền dưới đây cũng cho kết quả tốt.
Nếu tiêu chảy do nhiễm phải gió lạnh: Người bệnh thấy đau bụng, sôi bụng, đi ngoài nhiều lần, người lúc nóng lúc lạnh, nhức đầu, phân thường lỏng thì lấy 5 lát gừng, 6g tía tô, củ sả (sao vàng), vỏ quýt (sao thơm) mỗi vị 20g. Đổ 2 bát nước (bát ăn cơm) đun còn 1 bát, uống thuốc lúc còn nóng.
Tía tô…
Thể thấp nhiệt: Người mắc bệnh này khi thấy đau bụng là phải đi ngoài ngay, phân có sắc vàng, mùi hôi thối, đi tiểu ít và nước tiểu có màu đỏ, khát nước nhiều, rêu lưỡi vàng. Bệnh thường gặp vào mùa hè, thu. Lấy 20g lá và bông mã đề, 40g nõn dứa (khóm, thơm) lấy đoạn trắng ở lá non của cây dứa ăn quả. Tất cả rửa sạch, giã nhuyễn rồi cho thêm ít muối. Đổ 1 bát nước sôi vào hỗn hợp thuốc, để độ nửa giờ xong gạn lấy nước uống
… gừng
Thể hàn thấp: Thường người bệnh thấy đau bụng lâm râm, đi ngoài loãng kèm nước trong, mệt mỏi không muốn ăn, uống, rêu lưỡi nhạt trắng thì dùng 40g củ riềng tươi thái lát mỏng; 80g vỏ bóc từ thân cây ổi đem sao qua rồi sắc đặc cả 2 vị trên. Uống nhiều lần trong ngày thay nước chè rất tốt.
Thể tỳ vị hư hàn: Người bệnh tinh thần mệt mỏi, kém ăn, sắc khí nhợt nhạt, tay chân lạnh, đi ngoài ra nguyên thức ăn thì dùng 16g vỏ quýt, 16g gừng khô, 100g gạo cũ rang cháy sắc đặc chia uống dần.
…sả là những vị thuốc dùng tốt cho người sôi bụng.
Ngoài ra có thể dùng: Chè khô, gạo rang lượng bằng nhau, sắc với 3 lát gừng tươi, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống khi nước thuốc còn ấm nóng. Hoặc: Nụ sim (thu hái khi còn chưa nở), liều lượng khoảng nửa chén sắc uống.
Sau khi sử dụng một trong các bài thuốc trên từ 1 – 2 ngày mà bệnh không thuyên giảm cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Theo Suckhoedoisong