Các bước hướng dẫn tắm cho bé dưới đây sẽ giúp các cặp vợ chồng trẻ chăm sóc cho thiên thần nhỏ của mình tốt nhất.
1. Trước tiên chuẩn bị các vật dụng: chậu tắm, quần áo, tã lót, khăn tắm, nước ấm, các sản phẩm: dầu gội đầu, dầu – sữa tắm, phấn, que gòn, bông gòn. Kiểm tra độ ấm của nước bằng cùi chỏ. Nên đặt chậu tắm ở nơi kín gió.
2. Cởi quần áo bé ra, ngoại trừ tã lót. Thoa dầu lên những nơi có “cứt trâu” để làm mềm và tróc các lớp vảy này ra.
3. Ẵm bé trong lòng tay, làm ướt tóc và thoa dầu gội lên đầu bé. Gội đầu bé thật sạch bằng nước ấm, sau đó lau khô.
4. Cởi tã lót của bé ra vệ sinh bộ phận sinh dục thật kỹ rồi cho bé vào chậu nước. Nếu bé còn quá nhỏ thì nên giữ bé ở tư thế nằm ngửa trong chậu. Chọn chậu tắm thiết kế hợp với tư thế nằm ngửa của bé.
5. Thoa sữa tắm lên mình bé, nhẹ nhàng lau người bé bằng một khăn vải xô. Tắm sạch lại bằng chậu nước ấm khác.
6. Sau khi tắm xong, nhanh chóng mang bé vào giường, thoa phấn rôm lên cổ, nách, cánh tay, vùng bẹn, mông để tránh bị hăm. Thấm ướt bông gòn lau vùng mắt cho bé, lau từ bên trong ra ngoài.
7. Dùng que gòn thấm dầu vệ sinh, lau sạch vùng mũi, tai và rốn cho bé.
8. Cuối cùng mặc tã lót và quần áo vào cho bé.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh chuẩn như những hộ lý bệnh viện phụ sản
Khi các em bé mới sinh còn nhỏ xíu, rốn lại chưa rụng, nhiều bà mẹ trẻ rất sợ hoặc ngại tắm cho con vì sợ bé bị lạnh, bị nước vào mắt, nước vào rốn gây viêm nhiễm…
Những hướng dẫn chi tiết của BS CK1 Phạm Thị Thục – Nguyên Trưởng phòng khám Nhi và tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai dưới đây chắc chắn sẽ giúp các mẹ tự tin hơn trong việc chăm sóc và tắm cho bé yêu của mình nhé!
Chuẩn bị:
– Nơi tắm: Phòng ấm, đóng cửa tránh gió lùa, bật đèn sáng. Mùa lạnh có thể dùng điều hòa ấm hoặc lò sưởi nhưng phải có chỗ thông hơi, nhiệt độ phòng khoảng 29 – 30 độ C.
– Đồ dùng để tắm:
+ Hai chậu nước đã đun sôi để nguội xuống 36 – 37 độ C, hoặc thử bằng khuỷu tay thấy nước ấm là được.
+ Khăn tắm, khăn lau khô, tã, quần áo, tất, bao tay, mũ và một ít bông khô, cồn 70 độ.
+ Xà phòng tắm, dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh, không chứa nhiều kiềm.
+ Thoa dầu cho bé, loại dành cho trẻ (thoa lên lưng, ngực và bụng, giúp bé chống lạnh trong khi tắm)
Cách tắm cho bé
Tư thế người tắm bé: Tốt nhất, bạn ngồi trên một chiếc ghế thấp một cách thoải mái. Bế trẻ trên cánh tay trái, đầu nằm gọn trong lòng bàn tay và lưng nằm trên cánh tay trái. Mông trẻ đặt trên đùi trái của bạn.
Cách tắm:
– Rửa mặt cho bé: Tay phải dùng khăn thấm nước ấm, vắt khô, lau mặt, lau tai, lau cổ cho bé.
– Gội đầu cho bé: Dùng ngón tay cái và ngón tay giữa của bàn tay trái bịt hai lỗ tai bé. Tay phải dội nước rồi dùng dầu gội đầu xoa lên đầu bé. Sau đó, gội sạch đầu bằng nước ấm của chậu nước thứ nhất rồi lau khô tóc.
– Tắm toàn thân bé: Cởi áo và tã lót cho bé, xoa xà phòng hoặc dầu tắm lên người bé.
+ Nếu rốn chưa rụng: Vớt nước lên phần trên rốn: ngực, nách, tay, lưng… sau đó chuyển bé sang cánh tay phải, đầu bé quay vào phía nách người tắm. Đặt mông bé vào chậu nước. Tay trái vớt nước tắm phần dưới rốn: bẹn, mông, bộ phận sinh dục, hậu môn và hai chân. Sau đó dùng chậu nước thứ hai để rửa sạch lại. Chú ý không làm ướt rốn bé.
+ Nếu rốn đã rụng, chân rốn đã lành: Sau khi đã gội đầu và lau khô, bạn có thể xoa xà phòng lên người bé rồi đặt bé vào chậu nước. Tay phải đỡ đầu và cổ bé, tay trái kỳ cọ nhẹ nhàng những phần còn lại, sau đó chuyển bé sang chậu nước sạch khác để rửa lại rồi lau khô toàn thân cho bé.
Thay băng rốn, chăm sóc da và mặc quần áo, tã lót cho bé: Khi đã tắm xong, đặt bé vào khăn sạch, mềm, lau khô toàn thân (chú ý lau khô các nếp gấp da), rồi mặc áo cho bé. Sau đó, bạn sát trùng tay bằng cồn 70 độ rồi thay băng rốn cho bé, bôi kem chống hăm lên cổ, nách, ngực, lưng, khuỷu tay, khuỷu chân.
Bôi kem dưỡng da cho bé vào hậu môn, bẹn, quanh bộ phận sinh dục để giữ cho da khô, đề phòng hăm loét. Quấn tã, lót và đi tất chân, bao tay cho bé… Làm ẩm bông bằng nước chín ấm để lau vành tai, mũi rồi đội mũ và quấn chăn cho bé nếu trời lạnh.
Một số lưu ý khi tắm
– Thời gian tắm không kéo dài quá 10 phút.
– Mùa hè, có thể tắm cho bé hằng ngày. Mùa đông, bé chỉ cần tắm 2 – 3 lần/ tuần lúc trời ấm. Thay vào đó, bạn có thể dùng nước ấm lau mặt, cổ, nách, bàn tay, bẹn… cho bé thường xuyên để tránh hăm loét da.
Theo Tamchotresosinh