Theo y học cổ truyền, bệnh hạ đường huyết (đường máu thấp) thuộc phạm trù “hư lao”, “quyết chứng”. Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh dẫn đến bệnh đường máu thấp là do khí huyết không đầy đủ, hoặc khí hư đàm tụ.
Biểu hiện
Bệnh đường máu thấp là chỉ nồng độ đường máu quá thấp do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó chừng 70% là đường máu thấp dạng chức năng, sau đó là u tế bào sản xuất insulin, các loại bệnh nội tiết và bệnh gan. Biểu hiện chủ yếu là thần kinh trung khu và hệ thống thần kinh giao cảm bị kích thích.
Bệnh xuất hiện khi đói, trạng thái bệnh từ nhẹ đến nặng, số lần phát cơn từ ngẫu nhiên đến thường xuyên. Biểu hiện: đầu váng, mắt hoa, mất sức, tim hoảng loạn, đổ mồ hôi, sắc mặt màu trắng xanh, lo lắng, run rẩy, thậm chí co giật, đột nhiên ngã người. Lúc đầu là lớp vỏ đại não bị ức chế, khám thấy khả năng nhận biết dần dần mất đi. Nặng hơn, các loại phản xạ mất, đồng tử thu nhỏ, hô hấp nông yếu, huyết áp hạ thấp.
Hai thể theo cổ truyền
Ảnh minh họa.
Theo y học cổ truyền, bệnh đường máu thấp thuộc phạm trù “Hư lao”, “Quyết chứng”. Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh dẫn đến bệnh đường máu thấp là do khí huyết không đầy đủ hoặc khí hư đàm tụ.
Khí huyết không đầy đủ, đó là tiên thiên bẩm phú không đầy đủ, hậu thiên lao động quá độ, ăn uống thất điều, tư lự quá sức, sau khi bệnh phát không điều dưỡng chu đáo, dẫn tới khí huyết không đầy đủ, tâm tỳ suy. Tỳ vị là nguồn sinh hóa của khí huyết, tỳ khí hư thì nguồn sinh hóa không đầy đủ, tỳ chủ thăng do tỳ hư không thể lên được thì sắc mặt trắng xanh, đầu váng mắt hoa, dưới không đến tứ chi thì tứ chi mệt mỏi mất sức, vệ khí hư thì mồ hôi đầm đìa. Tim chịu trách nhiệm về huyết, tàng thần, thâm thần mất nuôi dưỡng, thần không thu liễm vào trong thì tim hồi hộp phiền loạn.
Phép chữa ở trường hợp này là “ Bổ ích khí huyết”, dưỡng tâm tinh thần. Bài thuốc gồm: đẳng sâm 30g, bạch truật 9g, phục linh 9g, chích cam thảo 6g, sinh địa 30g, thục địa 30g, xuyên khung 9g, bạch thược 9g, đương quy 9g, long nhãn nhục 30g, sơn thù du 9g.
Còn khí hư đàm tụ là do ăn uống không điều độ, bệnh lâu ngày sau phẫu thuật, tình chí uất, nhiều suy tư, dẫn tới tỳ mất vận hóa kiện toàn, tích thấp sinh đàm, đàm theo khí thăng lên che thanh khiếu, do vậy tinh thần lơ mơ ý loạn; đàm ngăn đường khí thì trong hầu nhiều đàm; đàm trọc ngăn ở trong, vị khí ngược lên thì nôn mửa đàm rãi, đói không thể ăn; đàm ngăn kinh lạc thì tứ chi tê dại run rẩy. Phép điều trị trong trường hợp này là “Trừ đàm khai khiếu, bổ khí phù chính”. Bài thuốc dùng gồm các vị: xương bồ 15g, cam thảo 6g, nam tinh 9g, bán hạ 9g, phục linh 9g, chỉ thực 9g, thục địa 15g, đẳng sâm 10g. Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục 10 ngày.
Theo Suckhoedoisong