Có thai là một việc hệ trọng vì thế nhiều chị em luôn cảm thấy bất an với bất kì những triệu chứng lớn nhỏ bất thường xảy ra với mình. Tuy nhiên có nhiều triệu chứng mà các mẹ không cần phải đi thăm khám và có thể xử lý tại nhà. Bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu xác định được tình trạng của mình và quyết định có cần phải đi gặp bác sĩ ngay hay không.
Mẹ bầu cần đi khám #1: Sốt cao trên 39.5oC
Sốt cao trên 39.50C là một trường hợp khá nguy hiểm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kì vì có thể gây sảy thai. Do đó, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu sốt cao.
Mẹ bầu cần đi khám #2: Chảy máu, sốt, đau và cảm lạnh
Khi bà bầu bị chảy máu vùng kín, kết hợp sốt hoặc cảm lạnh thì cần được đưa đi khám ngay với bác sĩ
Mẹ bầu cần đi khám #3: Đau đầu, chóng mặt, choáng váng
Hiện tượng đau đầu, chóng mặt và choáng váng ở bà bầu có thể có nguyên nhân là do thiếu nước hoặc vận động quá sức. Điều đầu tiên bà bầu có thể làm là uống thêm nước và nằm nghỉ xem có đỡ hay không. Nếu không, bà bầu cần được đi khám ngay khi có thể.
Mẹ bầu cần đi khám #4: Nôn mửa đi kèm với sốt
Ốm nghén là một triệu chứng rất phổ biến ở các phụ nữ đang có thai và hầu như là vô hại đối với bà bầu. Tuy nhiên, ốm nghén liên tục đi kèm với việc sốt và đau thì bà bầu cần đi gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe của mình.
Mẹ bầu cần đi khám #5: Ra nhiều nước ở âm đạo
Ra nước nhiều ở âm đạo là dấu hiệu mẹ bầu bị vỡ ối và chuẩn bị lâm bồn, tuy nhiên nếu thai nhi chưa đủ 37 tuần thì rất có thể là dấu hiệu của việc bạn sẽ phải sinh non. Ra nước âm đạo kèm theo những con co thắt là một dấu hiệu vô cùng nguy hiểm và cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Mẹ bầu cần đi khám #6: Đau khung xương chậu
Khi bà bầu có những triệu chứng đau dữ dội phần phần trước khung xương chậu, hông, háng, bụng dưới, đặc biệt là đi kèm với sốt thì cần được đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Mẹ bầu cần đi khám #7: Phù mặt, tay hoặc chân
Phù mặt, tay hoặc chân vào 3 tháng chu kì giữa và 3 tháng chu kì cuối có thể là dấu hiệu của hiện tượng thừa nước ở cơ thể. Đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật nên tốt nhất là được tư vấn từ bác sĩ để có những bước điều trị kịp thời.
Mẹ bầu cần đi khám #8: Thai nhi không đạp bụng
Thường thì thai nhi đã bắt đầu cựa quậy trong bụng mẹ từ 3 tháng giữa thai kì. Nếu bạn chưa nhận thấy dấu hiệu cựa quậy từ thai nhi thì cần phải làm những kích thích cho bé. Nếu thai vẫn không đạp hoặc đạp rất ít thì bạn nên đi gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng thai nhi ngay.
Theo Hanhphucgiadinh