Ngày đầu tiên ẵm con trên tay, trong cảm giác mệt lả và đau, mẹ vẫn nghẹn ngào hạnh phúc cảm nhận được từng hơi thở đầu tiên của sinh linh bé bỏng. Con đã chào đời, mẹ tròn con vuông, bình an như ước nguyện của bao người. Nhưng hành trình của mẹ và con không dừng ở đó. Đúng hơn là nó chỉ mới thật sự bắt đầu. Mẹ sẽ phải “học” rất nhiều để có thể hiểu hết về con – thiên thần bé bỏng!
Những gợi ý dưới đây chính là điều đầu tiên mẹ cần “học” đấy!
1. Giấc ngủ của con
Bạn thấy con mình hình như… ngoan hơn con nhà hàng xóm. Bé mới sinh nhưng lại ít quấy khóc, đặt đâu ngủ đấy, thậm chí có thể ngủ liền một mạch suốt đêm như người lớn. Thật ra, điều này không tốt. Trong hai tuần đầu tiên bé mới chào đời, bạn không nên để trẻ ngủ giấc dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Dù thấy con ngủ say đến mấy thì sau 4 tiếng, bạn cũng nên đánh thức bé dậy, cho bé bú, chơi với bé một lát rồi nếu bé muốn, sau đó mới cho bé ngủ tiếp.
Cần thiết làm điều này vì nếu trẻ sơ sinh những tuần đầu ngủ giấc quá dài, bé sẽ có thể rơi vào trạng tháo hôn mê, cơ thể mất nước do ngủ nhiều mà không được bú mẹ. Trẻ cũng dễ bị vàng da. (Trường hợp vàng da nặng, trẻ có thể bị hôn mê, co giật, để lại di chứng tâm thần vận động vĩnh viễn).
Tùy theo “văn hóa gia đình” mà bạn có thể chọn cách cho bé ngủ ngay bên cạnh mình (chung giường) hay cho bé ngủ trong một nôi cũi ở bên giường mẹ. Mỗi cách đều có cái hay riêng. Chỉ cần bạn đảm bảo là bé có thể ngon giấc trên chiếc giường hay nôi cũi, và mọi thứ thật sự an toàn với trẻ là được.
Nếu cho bé ngủ riêng, bạn cần chuẩn bị cho bé yêu một chiếc nôi (cũi) sạch sẽ, chắc chắn, không có mùi sơn hoặc vec-ni khó chịu. Lan can phải đủ cao và có màn để ngăn muỗi, côn trùng. Các vật dụng đi kèm nôi như gối, dra, đệm giường… nên có màu sắc tươi sáng để bạn dễ dàng phát hiện vết bẩn. Nhớ chuẩn bị vài bộ đệm, dra, gối vì rất có thể bạn phải… thay thường xuyên khi bé “tè” ra giường đấy.
2. Giúp bé yêu… quen mẹ!
Đừng tưởng rằng bé “chưa biết gì” nhé. Bé có thể nhận ra bạn nhanh hơn bạn tưởng. Bằng chứng là bé rất thích thú khi được nhìn vào khuôn mặt mẹ. Hãy để ý kiểm tra những phản xạ của mắt và tai con (nhìn theo hoặc quay về hướng có tiếng động) để xác định thính giác và thị giác của con hoạt động tốt. Dù nhà có người giúp việc hay có bà nội, bà ngoại giúp trông thì bạn vẫn nên trực tiếp dành thật nhiều thời gian bên bé. Hơi ấm của mẹ, những chăm sóc của mẹ sẽ là thứ “thần dược” giúp bé yên tâm, ngủ ngon, khỏe mạnh, lớn nhanh.
Một vài thời điểm trong ngày, bé sẽ thức dậy, ngơ ngác nhìn quanh để “làm quen” với mọi vật, mọi người. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội chuyện trò cùng bé, rủ rỉ cho bé nghe những cảm xúc của bạn, nựng nịu bé hoặc hát ru những giai điệu thật êm ái, nhẹ nhàng cho bé nghe.
3. Hiểu dần tiếng khóc
Tiếng khóc là “ngôn ngữ” thành lời duy nhất để bé “giao tiếp” với bạn lúc này. Có thể sẽ hơi khó khăn, nhưng bạn sẽ quen thuộc dần cách “học” chúng thôi, đừng lo lắng quá! Trẻ sơ sinh khóc do nhiều nguyên nhân: Bị con vật như muỗi cắn đốt, bẩn ngứa, xót vì sợi len của áo quần, cơ thể ẩm ướt, đói, lạnh, đau bụng… Bạn cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục cho cháu. Cũng có một số trẻ sơ sinh hay khóc thét lên vì bị giật mình khi ngủ. Nếu đã kiểm tra và không thấy nguyên nhân, bạn nên nhẹ nhàng ẵm bé trên tay, vỗ về bé, ru nhè nhẹ, tránh mở đèn quá sáng hoặc cáu gắt. Để ý theo dõi sau đó, nếu bé vẫn bú tốt, không có biểu hiện gì bất thường thì không có gì đáng ngại. Chỉ cần đến bác sĩ nếu kèm với khóc lâu, dai dẳng, bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường như nôn trớ, sốt, bỏ bú, khó thở…
4. Chuyện… bú
Những ngày đầu tiên sau khi bé chào đời, bạn hơi lo lắng vì sữa xuống chưa đều. Nhưng đừng vì thế mà vội vàng cho bé làm quen với sữa ngoài. Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong một năm đầu, không gì có thể thay thế được. Hãy bình tĩnh uống nhiều nước, ăn đủ chất, giữ tâm trạng vui vẻ thoải mái và cho bé bú thường xuyên. Chỉ sau 1-2 ngày, sữa sẽ trở nên đều và bạn không còn phải bận tâm quá nhiều đến chuyện lỡ không đủ sữa thì… làm sao nữa.
Một chi tiết nho nhỏ nữa về bé cũng khiến bạn ngạc nhiên. Đó là trong những ngày đầu tiên, bé đi tiêu, đi tiểu… liên tục. Không cần hốt hoảng trước hiện tượng này vì bé hoàn toàn không bị tiêu chảy như bạn tưởng đâu. Chẳng qua, bởi vì sữa mẹ chứa nhiều nước nên sau khi hấp thụ, bé cần thải ra nhiều lần như vậy.
5. Tủ đồ của bé
Bé cần có nhiều quần áo để thay giặt thường xuyên. Quần áo nên là sản phẩm 100% cotton, màu sắc nhạt, mềm mại, có khả năng giữ ấm cao, thấm nước tốt. Chú ý áo quần của bé nên to một chút, không có nút, dễ thay cho bé. Mẹ cũng cần nhớ là áo quần của bé phải được giặt riêng, không giặt chung với áo quần người lớn hay khăn. Không nên cho xà phòng hay chất làm mềm vải của người lớn vào vì mùi hóa chất có thể gây khó chịu với bé. Bạn cũng cần chuẩn bị cho bé 2-3 cuộn băng để vệ sinh và thay rốn.
– Chậu to để tắm bé.
– Chậu nhỏ để đựng nước rửa mặt, rửa tay chân.
– Khăn tắm: 1-2 chiếc.
– Sữa tắm, phấn rôm, một số loại dầu gội, lotion… dành riêng cho bé.
– Dụng cụ ăn uống nếu như bé phải bú ngoài.
– Ly và muỗng nhỏ (2-3 chiếc), hoàn toàn riêng biệt với người lớn, không sử dụng chung với bất kỳ ai khác.
– Nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt của bé mỗi ngày.
Tuy nhiên, lưu ý là không cần thiết phung phí tiền bạc quá nhiều vào đồ đạc của bé. Hãy hỏi kinh nghiệm của người đi trước, cân nhắc trước khi mua. Bé sẽ còn lớn nhanh nên nhiều vật dụng chỉ một tháng sau là… không dùng được nữa. Mua sắm quá nhiều sẽ dẫn đến phí phạm, trong khi bạn rất cần tiết kiệm ngân sách gia đình để đầu tư cho chặng đường dài nuôi con đấy!
6. Mẹ tắm bé nào!
Rất nhiều mẹ được người già truyền đạt lại cho cách thức hái lá chanh, lá nguyệt quế, lá bưởi, hay lá này lá nọ khác nhau tắm cho trẻ sơ sinh, với hi vọng bé sẽ “sạch” hết mọi “nhơ bẩn”, được bảo bọc theo kiểu “trừ tà”, hoặc tránh được rôm sảy, ghẻ chốc.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng một số loại lá có tác dụng sát trùng tốt với người lớn, có thể sử dụng để tắm hoặc gội đầu, nhưng với trẻ sơ sinh thì không được phép ứng dụng. Da trẻ sơ sinh còn rất non nớt. Việc dùng bất kỳ thứ lá cây nào đều có thể gây xót, gây ảnh hưởng đến quá trình lên da non của trẻ.
Ngoài ra, việc hái lá mang về tắm bé rất nguy hiểm, dễ khiến bé bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vì các loại lá này thường bị phun thuốc, mọc bờ mọc bụi ở những nơi ô nhiễm. Ngay cả đã được đun sôi cũng chưa chắc hết hoàn toàn những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại ngấm vào.
Lưu ý thêm chuyện này, với trẻ sơ sinh, khi bé mới sinh ra, người mẹ thường “khó chịu” khi phát hiện con mình được bao phủ toàn thân bởi một lớp “ghét” trông… không sạch cho lắm (người già thường gọi là lớp “gây”). Trên đầu bé cũng có những mảng “cứt trâu” xấu xí. Tuy nhiên, bạn không nên khó chịu đến mức tìm cách tẩy sạch, loại bỏ những thứ này “càng sớm càng tốt” để bé có thể sạch sẽ hoàn toàn theo ý bạn.
Thật ra, trừ những nơi như bẹn, nách, cổ… lớp “gây” này phủ quá dày cần làm sạch bớt để tránh gây hại cho da thì những nơi khác trên cơ thể bé, không nên vội vàng “tẩy rửa” cho bằng được lớp “da tự nhiên” này làm gì. Đây chính là thứ tạo hóa ban cho bé, nhằm giúp bé chống lại tác động của không khí bên ngoài khi chưa thật sự quen với môi trường mới. Đặc biệt, bạn cần biết rằng một số vùng miền, vào mùa lạnh trong năm không khí bên ngoài lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ trong bụng mẹ. Vì thế, lớp “gây” chính là “tấm áo” tự nhiên, bao phủ cơ thể bé, giúp bé duy trì thân nhiệt, tránh bị nhiễm lạnh. Khi tắm bé, bạn không nên kỳ cọ quá mạnh tay với lớp “gây” trên người đâu nhé.
Theo Bau