Mệt mỏi, tăng cân, rối loạn giấc ngủ, cổ sưng to, giảm ham muốn tình dục, đau ê ẩm mình mẩy ….đều là những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang gặp vấn đề về tuyến giáp.
Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, tại nước này có hơn 12% dân số với hàng triệu người, gặp phải vấn đề về tuyến giáp trong suốt cuộc đời họ. Bệnh này có những dấu hiệu mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các loại bệnh khác, nó chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các bệnh lý về tuyến giáp thường diễn tiến âm thầm, kéo dài nhiều năm, nó tuy không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng có thể gây suy giáp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuyến giáp của bạn đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể, nó là một tuyến có hình con bướm ở cổ, ngay phía trên xương đòn. Đây là một trong các tuyến thuộc hệ nội tiết, nó sản xuất ra hormone, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động một số cơ quan trong cơ thể như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa …
Bệnh lý về tuyến giáp có thể gây ra tình trạng suy giáp làm giảm khả năng sản xuất hormone hoặc cường giáp sản sinh ra quá nhiều hormon vượt quá nhu cầu của cơ thể, cũng có thể gây ra cả 2 trường hợp. Một số bệnh lý khác của tuyến giáp bao gồm phì đại tuyến giáp, ung thư tuyến pháp, u tuyến giáp hay viêm tuyến giáp….
Không giống như các căn bệnh khác, bệnh lý tuyến giáp có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào đặc hiệu khiến việc phát hiện rất khó khăn. Dưới đây là 13 dấu hiệu hàng đầu chứng tỏ mắc bệnh về tuyến giáp, người bệnh cần phải được thăm khám để phát hiện và điều trị sớm.
Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ
Mệt mỏi là một triệu chứng đầu tiên trong bệnh rối loạn tuyến giáp. Nếu người bệnh thấy lúc nào cũng buồn ngủ, hoặc ngủ nhiều hơn bình thường nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng, đây có thể là bệnh nhân đang mắc chứng suy giáp. Đối với bệnh nhân mắc cường giáp, họ thường cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, điều này lại dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức. Đó là do tuyến giáp hoạt động quá mức do lo lắng có thể khiến người bệnh khó ngủ hoặc thậm chí bị tỉnh dậy vào giữa đêm.
Thay đổi trọng lượng
Tăng cân phổ biến ở người bị bệnh về tuyến giáp chủ yếu là do tích nước trong cơ thể. Cũng có khi người bệnh lại giảm cân mặc dù vẫn ăn như bình thường hoặc ăn nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân là do bệnh cường giáp, người bệnh luôn có cảm giác thèm ăn do hormon tuyến giáp sản sinh quá nhiều gây cảm giác đói liên tục.
Tâm trạng thay đổi
Khi tâm trạng cảm thấy chán nản bất thường, buồn bã, đó là do có quá ít hormone tuyến giáp làm ảnh hưởng đến nồng độ serotonin trong não. Người bệnh cũng có thể thiếu tập trung hoặc trí nhớ suy giảm. Khi người bệnh cảm thấy lo lắng hay hoảng sợ quá mức, đầu óc không thể thư giãn cần liên tưởng tới bệnh cường giáp, nguyên nhân là do có quá nhiều hormone tuyến giáp gây khó tập trung.
Gặp vấn đề đường ruột
Như đã nói ở trên, hormone tuyến giáp ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, nên khi tuyến giáp gặp vấn đề, người bệnh thường có triệu chứng táo bón, có thể ít hay nhiều. Nhưng khi bị cường giáp, người bệnh lại bị tiêu chảy hay mắc các hội chứng ruột kích thích.
Đau cơ
Đau cơ, cứng cơ nhất là ở các vị trí vai, đùi là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Nếu suy giáp người bệnh cảm thấy đột ngột tê, ngứa ran hoặc đau ở chân tay, nguyên nhân do tuyến giáp sản xuất quá ít hormone ảnh hưởng đến các tín hiệu được gửi từ não và tủy sống đi khắp cơ thể. Cơ bắp nói chung bị đau, yếu, ở cánh tay, cẳng chân nổi gân… Nếu người bệnh bị cứng khớp, có thể dùng dầu nóng xoa bóp giảm đau nhức do viêm khớp.
Một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm khớp như gặp khó khăn khi leo cầu thang, giơ tay lên đầu… nói chung việc phối hợp giữa các khớp sẽ gặp vấn đề khi bị cường giáp.
Giảm ham muốn tình dục
Nếu bị suy giáp trạng một thời gian dài, có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, làm giảm ham muốn tình dục, nặng có thể gây vô sinh, nhất là ở phụ nữ. Cả suy giáp và cường giáp đều làm cản trở việc rụng trứng, suy yếu khả năng tình dục của phụ nữ.
Thay đổi da và tóc
Khi hormone tuyến giáp thay đổi, quá ít hoặc quá nhiều sẽ làm tóc của con người trở nên khô, xơ, dễ gãy, rụng . Đó là do nội tiết làm rối loạn chu kỳ tăng trưởng của tóc. Thậm chí còn làm rụng lông ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Làn da và lớp móng tay cũng bị ảnh hưởng bởi các rối loạn tuyến giáp như da khô, bong tróc do sự trao đổi chất bị hạn chế, móng tay giòn, dễ gãy….
Nhiệt độ cơ thể thay đổi
Nhiệt độ cơ thể nóng lạnh bất thường, có thể bàn tay, bàn chân lạnh, hoặc cảm thấy ớn lạnh, đôi khi lại đổ mồ hôi quá mức…. đều cần nghĩ đến những thay đổi ở tuyến giáp.
Cholesterol thay đổi
Ở những bệnh nhân suy giáp thường có nồng độ cholesterol trong máu cao, người bệnh thường không đáp ứng với điều trị như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc dùng thuốc. Trong khi đó bệnh cường giáp làm bệnh nhân có thể có mức cholesterol thấp bất thường.
Huyết áp
Các bệnh nhân suy giáp có nguy cơ bị tăng huyết áp gấp đôi người bình thường. Đối với cường giáp, người bệnh thường tăng huyết áp tâm thu (trị số trên của huyết áp), trong khi huyết áp tâm trương vẫn bình thường hoặc đi xuống.
Thay đổi nhịp tim
Nhịp tim thay đổi là do hormon tuyến giáp tác động lên hệ tim mạch. Suy giáp thường làm tim đập chậm hơn bình thường từ 10-20 nhịp mỗi phút, trong khi đó cường giáp lại làm nhịp tim đập nhanh hơn, có khi xuất hiện cả đánh trống ngực.
Bướu cổ
Bướu cổ là dấu hiệu hình ảnh lâm sàng đầu tiên để bác sĩ có chẩn đoán nghi ngờ bị mắc bệnh tuyến giáp. Nhất là khi người bệnh cảm thấy sưng hoặc khó chịu ở cổ, giọng nói thay đổi, khàn hơn. Bướu cổ xuất hiện trên cả bệnh nhân bị cường giáp hay suy giáp.
Lịch sử gia đình, tuổi, giới tính và hút thuốc
Một số người có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp hơn những người khác là do các yếu tố di truyền, môi trường sống, tiền sử gia đình, tuổi tác… Nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh, bạn có nguy cơ bị bệnh cao hơn người khác. Bệnh tuyến giáp thường xuất hiện ở phụ nữ, đặc biệt là những người lớn tuổi. Theo thống kê, khả năng phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn 5-8 lần so với đàn ông.
Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ cho biết ở những người hút thuốc, khả năng mắc bệnh cao hơn 2 lần so với người không hút.
Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình có một trong số các triệu chứng ở trên cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Suckhoedoisong